b) Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mặc khải cho thánh nữ Faustina. Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Việc chọn Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa mang một ý nghĩa thần học sâu xa, nói lên mối tương quan gần gũi giữa mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ với mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa. Mối tương quan mật thiết này còn được nhấn mạnh hơn nữa qua tuần Cửu Nhật với chuỗi kinh kính Lòng Thương Xót Chúa, bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần Thánh để dọn mình mừng lễ.

Lễ này không những là một ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Người, mà còn là một thời gian ân sủng dành cho mọi người. Chúa Giêsu đã phán: “Cha ước mong đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha trở thành chỗ nương náu và trú ẩn cho mọi linh hồn, nhất là các tội nhân đáng thương” (NK 699). “Các linh hồn vẫn cứ hư mất mặc dù đã có cuộc Khổ Nạn cay đắng của Cha. Cha ban cho họ niềm hy vọng sau cùng về phần rỗi; đó là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha. Nếu họ không sùng kính Lòng Thương Xót Cha, họ sẽ phải hư mất muôn đời” (x. NK 965, 998).

Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ, Chúa Giêsu đã phán: “… bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xoá sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở. Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha. Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở. Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Để được hưởng nhờ những ơn ích trọng đại ấy, chúng ta phải hội đủ những điều kiện của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa (tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống nhân ái với người chung quanh), phải sống trong tình trạng ơn thánh – xưng tội, và hiệp lễ xứng đáng. Chúa Giêsu đã giải thích: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hoá trước khi quay về với Lòng Thương Xót Cha trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha. Trong ngày đó, các linh mục hãy nói cho mọi người về Lòng Thương Xót vĩ đại khôn dò của Cha” (NK 570).

c) Chuỗi kinh Lòng Thương Xót Chúa. Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho thánh nữ Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (x. NK 474-476).

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới. Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại.

Bằng lời kinh này, các tín hữu nài xin Lòng Thương Xót cho chính họ và toàn thể thế giới, và như thế, họ thực thi một công việc nhân ái. Nếu các tín hữu thêm vào đó một căn bản là lòng tín thác và hội đủ các điều kiện của mọi lời cầu nguyện tốt lành (khiêm nhượng, kiên trì, hợp với thánh ý Chúa), họ có thể trông đợi Chúa Kitô sẽ hoàn thành những lời hứa đặc biệt liên quan đến giờ chết: đó là ơn được sám hối và chết lành.

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ. Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811). Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “… nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731). Bởi vì bất cứ điều gì không phù hợp với thánh ý Chúa đều không tốt cho con người, nhất là cho hạnh phúc đời đời của họ.

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “… bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929), và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết” (NK 754).

d) Giờ Thương Xót Vô Biên. Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật Ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “… mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đường Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đường Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầy lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).

Linh mục giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1. Phải thưa lên với Chúa Giêsu.

2. Phải được đọc vào lúc ba giờ chiều.

3. Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện; đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

e) Truyền bá vic tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).

Yếu tính việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa là thái độ tín thác vào Thiên Chúa và tích cực sống nhân ái với người lân cận. Chúa Giêsu phán: “Cha khao khát niềm tín thác từ các thụ tạo của Cha” (NK 1059), và Người mong đợi họ hãy thể hiện lòng nhân ái qua các việc làm, lời nói, và lời cầu nguyện. Chúa còn phán: “Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy” (NK 742). Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.

Việc truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa không đòi hỏi nhiều lời, nhưng luôn luôn phải có thái độ đức tin Kitô giáo, tín thác vào Thiên Chúa và sống ngày càng nhân ái hơn. Trong cuộc sống của mình, thánh nữ Faustina đã nêu một tấm gương về công việc tông đồ như thế.

f) Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mc tiêu canh tân đời sng đo đc trong Giáo Hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô giáo. Trong bối cảnh này, chúng ta hãy xét đến ý tưởng về “một dòng tu mới” mà chúng ta gặp trong những trang của quyển Nhật Ký. Ước vọng này của Chúa Kitô được dần dần hiện rõ trong suy tư của chị thánh Faustina, và trải qua một cuộc biến đổi – từ một dòng tu chiêm niệm ngặt phép sang hẳn một phong trào kết nạp cả những cộng đoàn tu trì hoạt động (nam và nữ) lẫn thành phần giáo dân.

Cộng đoàn vĩ đại siêu quốc gia này chỉ là một gia đình, trước tiên nhờ Chúa mà được hợp nhất trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Người, và kế đến là nhờ lòng khát khao, vừa để giãi chiếu ánh lòng nhân ái trong tâm hồn và công việc của họ, vừa để vinh quang Chúa được chiếu toả nơi mọi tâm hồn. Đó là một cộng đoàn gồm những người khác biệt, tuỳ theo bậc sống và ơn gọi mỗi người (linh mục, tu sĩ, hoặc giáo dân), sống lý tưởng tín thác và nhân ái của Phúc Âm, đồng thời rao giảng mầu nhiệm cao vời về Lòng Thương Xót Chúa bằng đời sống và lời nói của mình để nài xin ơn thương xót cho thế giới.

Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo Hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Cracow, tháng 12 năm 1991

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM

Discover more from Radio Lòng Chúa Thương Xót

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading