11/02 – CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN năm B.

MỒNG HAI TẾT GIÁP THÌN. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.

” Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”.

Lời Chúa: Mt 15, 1-6

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? “

Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

Mừng Xuân với những liên hệ–TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Dịp Tết, ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối liên hệ. Nếu không có những liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình. Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui. Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:

Người ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Ta cần có cha mẹ để có mặt ở đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia vui sẻ buồn. Ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Ta cần có thợ may để có quần áo. Ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể nói tất cả những gì ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.

Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể ta. Những mối liên hệ chính là chiếc tay vịn giúp ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.

Đời ta có nhiều liên hệ. Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú. Có những liên hệ chiều sâu tạo thành bản chất cuộc đời. Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời ta. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, ta không có mặt ở đời. Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời ta được mọc lên xanh tươi. Ông bà cha mẹ đã tự nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng ta đơm bông kết trái. Ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời sống ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời. Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở. Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây. Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.

Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những trang đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.

Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời ta. Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho ta. Sự sống là món quà quý nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất.

Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc ta về lòng biết ơn, cho ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.

Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc. Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đìnhh vững chắc. Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà chính là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.

Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch. Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ. Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội. Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội muốn ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.

Lm Giuse Trần Đình Long

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN, NĂM B – 11/02/24

Feb 11 Đức Mẹ Lộ Đức 

BÀI ĐỌC I: Lv 13, 1-2. 44-46

“Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại”.

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.

Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 31, 1-2. 5. 11

Đáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ. (c. 7).

Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian! – Đáp.

2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”. – Đáp.

3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 31 – 11, 1

“Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia

PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Lm Peter Lê Thanh Quang

CHỮ HIẾU VÀ LÒNG BIẾT ƠN – Lm Antôn Vũ Quốc Thịnh

Dân tộc Việt Nam vốn trọng Đạo Hiếu, cho nên trong những ngày Tết vui vẻ, chúng ta vẫn không quên Ông Bà Tổ Tiên của mình đã qua đời. Trong Thánh Lễ ngày Mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Ngài ; đồng thời cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tốt để làm các ngài được vui lòng, đó chính là cách thể hiện lòng hiếu thảo đúng nhất.

Trong mười điều răn, Thiên Chúa đã dành hẳn điều răn thứ bốn nói về lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, trước các điều răn hướng về con người. Đây không phải là lời khuyên mà là một luật buộc phải thi hành như các điều răn khác. Vậy hiếu kính cha mẹ là gì? Theo giáo lý Công giáo, hiếu kính cha mẹ là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (Theo cuốn Giáo lý Tân định). Hôm nay Giáo hội Việt nam muốn chúng ta hãy tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ trong cuộc sống, nhất là trong dịp Tết nguyên đán này.

Một nhà văn Việt Nam, về cuối đời, chắc là để cho có vẻ giống với các cây đại thụ trong khu rừng văn học nhân loại, đã tuyên bố cái gọi là “Nhân sinh quan của tôi”, trong đó, có câu viết :”Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng”. Vô hình trung, ông đã nhận ra một trong những ý nghĩa của cuộc đời là truyền lưu sự sống. Ông bà để lại sự sống cho cha mẹ. Cha mẹ tặng lại sự nghiệp cho chúng ta. Đến lượt chúng ta truyền lưu sự sống và sự nghiệp cho con cái. Cứ thế lưu truyền từ đời này đến đời kia. Lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã vun trồng cây sự sống cho thế hệ đời sau, là nội dung của phong tục thờ cúng tổ tiên, mà các dân tộc Châu Á, đặc biệt là dân tộc ta, rất coi trọng.

Người tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Bàn thờ ông bà cha mẹ nhà nào cũng luôn hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng. Ngày xuân ngày tết lại là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình họ mạc. Hội thánh Việt Nam đã dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của các ngài, chúng ta tỏ lòng biết ơn các ngài và chân thành tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp còn dang dỡ của các ngài, lo vun trồng tươi tốt những cây non là các thế hệ đến sau, để cho cây nhân sinh của dòng họ ta mãi mãi xanh tươi và đơm nhiều hoa trái, đóng góp với sự tốt tươi chung của rừng cây nhân loại.

Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu.Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung,cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân. Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống,thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh,bằng thờ cúng giỗ chạp.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng,là phẩm chất tối cao của con người. Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt từ Nam chí Bắc, dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây có cội, nước có nguồn”, đều coi trọng gia lễ. Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:

Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.

Nước có nguốn mới bể rộng sông sâu.

Người ta có gốc từ đâu.

Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Biết ơn là sống tâm tình tri ân tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả đời mưa nắng cho con. Cha mẹ đã sống vì hạnh phúc của con. Lòng hiếu thảo hơn mọi lễ vật mà con cái dâng cho các ngài.

Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn.Biết ơn trời đất,biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ.Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao,dục báo chi đức,hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng,vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển : “Công cha như núi thái sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng, của là ngãi; người làm ra của chứ của không làm ra người”; mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ”; đề cao tinh thần khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.

Gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại đồng đường”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng.Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông.

Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một … đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương, Đỗ Trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm.Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình.

Gia đình là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất.Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội.Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con cái vào đời.

Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa. Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo. Sách Giảng Viên dạy: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa,tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”. Sách Huấn ca dạy : “Hỡi các con hãy nghe cha đây.Hãy xử sự sao để được độ sinh.Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.

Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ, người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.

Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con, vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây. Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục, vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con! Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính, và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.

Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già. Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng, nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan, như sương muối biến ta lúc đẹp trời.Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,1-16).

Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ: “Hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra. Làm sao con báo đền được điều họ cho con?” (Hc 7,27-28).

Sách Tôbia cũng dạy rằng :“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tob 4,3-4).

Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).

Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51).  

Lòng hiếu thảo, đạo làm con ấy được Thiên Chúa quy định trong giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Đây là giới răn duy nhất trong 10 giới răn nhận được lời chúc phúc nếu tuân giữ một cách trọn vẹn  sẽ được sống lâu trên mặt đất. “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi thì ngươi sẽ được sống lâu trên mặt đất”.

Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu. Đây là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy

Núi rất cao và biển rất tuyệt vời

Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở

Và trái tim nhân ái làm người

Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên đã khuất mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.

Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ

Phong sắc hồng hào tâm thể khang an

Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng

Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ

Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể

Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây

Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây

Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một lạy

Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.

Xin Chúa là chủ thời gian ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Dũng

Discover more from Radio Lòng Chúa Thương Xót

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading