October 3, 2023

HỎI: Thưa Cha, nếu khi một giáo dân xin lễ dành cho một dịp nhất định nhưng các cha chưa kịp làm đúng vào thời điểm người xin dự định xin thì Thánh Lễ đó sẽ có ảnh hưởng thế nào ạ? 

Ví dụ: nếu con chuẩn bị đi phỏng vấn ngày mai và hôm nay con mới xin thánh lễ như ý. Nhưng theo con được biết mỗi ngày các cha dâng một lễ thôi và các Cha sắp lịch dâng lễ như ý này vào tuần sau, sau khi phỏng vấn đã qua thì lễ đấy sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc phỏng vấn khi cuộc phỏng vấn đã qua rồi ạ?

Chúc Cha sức khoẻ. Con, Anna từ “New Yerusalem” = “New York”. Hiiii

ĐÁP: Cảm ơn Anna từ “New Yerusalem”. 

Câu hỏi của bạn khó! 

Nhưng thấy bạn có vẻ hài hước (New Yerusalem = New York), nên hy vọng mục Hỏi Đáp Công Giáo không quá “căng thẳng” nếu như không trả lời thỏa đáng như lòng mong đợi của bạn.

1. XIN LỄ là hành vi Đức Tin

Trước tiên, chúng ta phải minh định với nhau: XIN LỄ là một hành vi ĐỨC TIN. Do đó, khi chúng ta xin lễ, xin cầu nguyện… chúng ta TIN ơn Chúa thêm sức mạnh, dẫy tràn ơn cứu độ cho điều, người mà ta có ý XIN LỄ.

Vì là HÀNH VI của ĐỨC TIN nên không chỉ dừng lại ở việc XIN, mà cần chính người xin “DỰ PHẦN” và HIẾN DÂNG để cộng tác vào công việc CỨU ĐỘ với Thiên Chúa. Do vậy ta không chơi trò giao khoán cho người khác như các cha hay cộng đoàn cầu nguyện cho mình. Khi mình xin lễ thì NÊN tham dự thánh lễ đó, để cùng với vị chủ tế và cộng đoàn thực thi hành vi Đức Tin mà mình đang cầu xin cùng Thiên Chúa. Ví dụ: Xin lễ giỗ mà mình không đi tham dự thánh lễ, giao khoán cho cha và cộng đoàn thì buồn lắm! Dĩ nhiên, nếu bạn không tham dự thì HY TẾ THÁNH LỄ vẫn thành sự như thường, nghĩa là ý nguyện bạn xin trong thánh lễ, vì ƠN CỨU ĐỘ đến từ duy mình Thiên Chúa mà thôi.

2. BNG LỄ và Ý LỄ khác nhau (mục này xin xem thêm giáo luật các số: 945-58)

Đúng là mỗi ngày một cha chỉ nhận một BỔNG LỄ (stipendium) mặc dầu vì lý do mục vụ các cha có thể dâng nhiều hơn một lễ trong một ngày.

Do vậy, nếu cha đó mà bạn xin lễ đã nhận bổng lễ và dâng cho ngày hôm bạn xin lễ thì ngài không thể SỬ DỤNG bổng lễ của bạn.

Tuy nhiên, bạn cần phân biệt: BỔNG LỄ (stipend) khác với Ý LỄ (intentions). Bổng lễ thì các cha chỉ nhận được một trong một ngày, nhưng ý lễ (vì xin lễ là hành vi đức tin) nên ai cấm các cha, cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện theo ý bạn ngay lúc đó (hic et nun) (xem Canon 945#2).

Do vậy, BẠN CỨ AN TÂM “BẤT CỨ KHI NÀO BẠN XIN LỄ, Ý LỄ ĐƯỢC CẦU NGUYỆN NGAY HÔM ĐÓ NHƯ Ý BẠN MUỐN XIN”. Đừng lo là phỏng vấn xong rồi, xin lễ chưa được cầu nguyện! (xem mục bên dưới: Thiên Chúa luôn là HIỆN TẠI).

Bạn có thấy trong nhà thờ, nhất là các xứ lớn rao cả mấy chục ý lễ trong mỗi thánh lễ là vậy. [Cá nhân mình không thích phải rao một loạt ý lễ của những người xin … người rao còn không nhớ, sao người nghe nhớ nổi? Chắc chỉ Chúa nhớ và biết được thôi! Nhưng vì lý do mục vụ đành chấp nhận “đền tội” khi rao hoặc bị nghe rao ý lễ vậy!]

Vậy BỔNG LỄ của bạn chưa được SỬ DỤNG ngay hôm ấy thì khi nào sẽ SỬ DỤNG?

Các cha có thể ghi vào sổ lễ để dâng vào một ngày nào chưa có BỔNG LỄ hoặc là chuyển cho các cha già ở nhà hưu dưỡng không có ai xin lễ bao giờ. Ví dụ: Trường hợp cá nhân mình vì đang đi học và thuộc nhà dòng nên thông thường dâng lễ theo ý cha bề trên đưa. Mà những ý lễ ấy mình đâu biết ai xin, chắc trong số đó có ý lễ của bạn đấy! Bạn được hưởng lợi rồi đó! 

NHƯNG bạn vẫn thắc mắc là đã qua giờ phút bạn đi phỏng vấn rồi đúng không? Vì theo kiểu suy nghĩ “tiền có trao thì cháo mới được múc”, nghĩa là phải trả tiền mới có được đồ mình cần mua đúng không?

3.     Thiên Chúa không có thời gian và không gian

Thiên Chúa là A và Ω, nghĩa là đối với Thiên Chúa không có khái niệm: thời gian và không gian như chúng ta. Với Thiên Chúa, mọi sự chỉ là hiện tại và Ngài là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí… nên “thấu tỏ đêm đen cũng như ban ngày”. Mọi hành vì của chúng ta luôn là hiện tại đối với Thiên Chúa (đau đầu quá phải không?) Việc bạn chưa xin lễ Thiên Chúa đã biết bạn sẽ xin, việc bạn chưa làm Thiên Chúa biết bạn sẽ làm … Do vậy, việc xin lễ không phải là để thay đổi Ý ĐỊNH của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Đầng thường hằng và bất biến, mà là để chúng ta CÓ KHẢ NĂNG cộng tác vào Ý ĐỊNH của Thiên Chúa trên ta, trên những người ta xin một cách tốt nhất. 

4.     Tính hiệp thông trong Hội Thánh

Vì Hội Thánh Công Giáo có tính hiệp thông: các người trên trời, chúng ta đang lữ hành trần thế, và các người trong luyện ngục. Do vậy, việc xin lễ nói lên sự liên đới giữa các thành phần trong Hội Thánh Chúa Kitô. Nhờ sự liên đới này, người xin, ý chỉ như được tiếp thêm sức mạnh để thành sự theo ý người xin. Ví dụ cụ thể: chẳng hạn bạn đi phỏng vấn: người có chuyên môn chỉ vẽ thêm, kẻ nắm tay khuyến khích, người pha ly nước uống để tự tin… đấy là sự hiệp thông trong Hội Thánh khi ta xin lễ.

[Bonus: Có nhiều người hỏi: Tại sao bên này các xứ Mỹ xin lễ rất “thấp”, chỉ có Việt Nam ta mới xin lễ “cao”?

Đối với những ai ở Mỹ, chúng ta thấy các giáo phận thường quy định bổng lễ thường $5, $10 USD. Rất thấp so với mức thu nhập của người lao động, vì các cha lo các giáo xứ đã được trả lương. Nhưng ở bên quê nhà Việt Nam, các cha không có lương nên bổng lễ chính là để nuôi sống các ngài. Có lẽ vì thói quen đó nên giáo dân VN ta vẫn hay dâng cúng bổng lễ cao, vì mỗi ngày các cha chỉ nhận MỘT BỔNG LỄ, nếu xin thấp sợ cha “chết đói.” (Đừng lo! Người làm thợ thì đáng được trả công! Chúa hứa không sai đâu!)

Tuy nhiên, vì XIN LỄ là hành vi Đức Tin nên phải nhớ THÁNH LỄ là VÔ GIÁ. Việc dâng cúng (stipendium) như là biểu tỏ sự hiệp thông và cộng tác vào công việc truyền giáo của Hội Thánh.]

Cảm ơn Anna, mình không phải giáo sư phụng vụ, và cũng không phải chuyên viên giáo luật. Nhờ những cha bạn học chuyên môn, nhưng đang mùa Covid và phải làm bài, học online… nên cực hơn đến trường. Các ngài từ chối nên mình cố gắng trả lời bạn. Hy vọng giúp ích cho đời sống đức tin của bạn.

Thân ái trong Chúa Cứu Thế và Mẹ Hằng Cứu Giúp,

Mục HỏiĐápCôngGiáo–
Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.