November 29, 2023

Các sách luân lý nói đến 7 mối tội đầu. Tại sao gọi là 7 tội đầu? Phải chăng đó là 7 tội mà ta phạm lần đầu tiên? 

Bảy tội đầu không phải là 7 tội đầu tiên mà ta phạm tội, hoặc ông bà nguyên tổ đã phạm, nhưng là bảy tội đầu sỏ, đầu mối của các tội khác. Trong tiếng La-tinh, chúng được gọi là peccata capitalia, gốc từ “caput” nghĩa là cái đầu. Nên biết thủ đô của một quốc gia là “capitale”, nghĩa là thành phố đứng đầu trong một quốc gia.

Mỗi quốc gia chỉ có một thủ đô, một đầu. Tại sao các tội có đến 7 đầu sỏ?

Trong văn chương Kitô giáo, chịu ảnh hưởng của văn hóa Do thái, số 7 là biểu tượng của sự viên mãn, đầy đủ. Một tuần có 7 ngày; rồi đến 7 bí tích, 7 ơn Chúa Thánh Thần, 7 nhân đức (ba nhân đức đối thần cộng thêm 4 nhân đức trụ). Từ đó, không lạ gì mà cũng có 7 mối tội đầu. Theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1866, chúng được đặt tên là tội “đầu sỏ” bởi vì chúng là đầu mối sinh ra những tội khác. Chúng cũng được gọi là 7 “nết xấu” (vitia) nữa.

Tại sao chỉ có 7 nết xấu?

Việc liệt kê các nết xấu bắt nguồn từ văn chương đan tu cổ thời bên Đông phương, được trình bày mạch lạc nơi tác phẩm Praktikós của đan sĩ Evagrio Ponticô (+399). Ông nói đến 8 tư tưởng xấu xa (logismoi) thúc đẩy ta phạm tội, được liệt kê theo thứ tự sau đây, đi từ nhẹ đến nặng: 1) mê ăn (gastrimargia); 2) dâm dục (porneia); 3) tham lam (philargyria); 4) buồn rầu (lypé); 5) nóng giận (orgé); 6) chán nản (akedía); 7) hư danh (kenodoxía); 8) kiêu căng (hyper-epiphaneia). Nên biết là theo ông Evagriô, ba cơn cám dỗ của đức Giêsu là: mê ăn, tham lam, hám danh. Danh sách các tư tưởng xấu (hay 8 cơn cám dỗ) của đời đan tu Đông phương được truyền bá sang Tây phương nhờ ông Gioan Cassianus, vào đầu thế kỷ V. Dù sao, người đã gây ảnh hưởng lớn cho thần học Tây phương là Giáo hoàng Grêgôriô Cả (trong tác phẩm Moralia): số các nết xấu được rút xuống còn 7, được xếp đặt lại thứ tự dựa theo thứ tự đạo lý (nghĩa là từ nặng đến nhẹ). Vì thế danh xưng cũng được sửa đổi khi cần thiết. 1/ Đứng đầu là kiêu ngạo (superbia); sự hám danh (inanis gloria) được gộp chung với kiêu ngạo. 2/ Tham lam (avaritia). 3/ Dâm dục (luxuria). 4/ Nóng giận (ira). 5/ Ghen tương (invidia), thay thế cho buồn rầu (tristitia); tuy cũng có thể nói rằng ghen tương là một thứ buồn rầu vì điều tốt ở nơi người khác. 6/ Mê ăn (gula). 7/ Lười biếng (acedia).

Các tội đầu sỏ có liên hệ gì với nhau hay không?

Từ thời Trung cổ, bảy nết xấu này được đặt tên là “tội đầu sỏ” (peccata capitalia). Thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica I-II, q.84, a.4) tìm cách giải thích nguyên nhân của chúng, cũng như xếp đặt chúng theo một thứ tự mạch lạc. Theo sách Tôma, 7 tội đầu sỏ bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính yếu: một đàng là sự thu hút bởi một điều tốt nhưng một cách vô điều độ; một đàng là tránh né điều tốt vì thấy có sự dữ đi kèm. Như vậy, ta nhận thấy rằng chúng không phải là nết xấu từ bản chất, nhưng trở thành xấu tại vì không được sử dụng đúng chỗ. 7 mối tội đầu, được phân thành hai nhóm chính. – Trong nhóm thứ nhất, ta có thể nói tới bốn điều tự bản chất là tốt nhưng trở thành xấu vì thiếu chừng mực: 1/ Ham muốn danh dự (một điều tốt tinh thần) đưa tới hám danh (kiêu ngạo). 2/ Bảo tồn sự sống qua việc ăn uống (mê ăn). 3/ Bảo tồn nòi giống qua việc truyền sinh (dâm dục). 4/ Của cải vật chất (tham lam). – Trong nhóm thứ hai, ta có thể nói tới việc tránh né ba điều tốt: 1/ điều tốt tinh thần đòi hỏi vất vả (lười biếng). 2/ Điều tốt của tha nhân làm cho ta bị sụt giá (ghen tương). 3/ Điều tốt của tha nhân lôi theo sự báo đáp (nóng giận).

Sau khi đã rảo qua lịch sử học thuyết về 7 nết xấu hoặc 7 tội đầu sỏ, bây giờ xin cha cho biết cách chính xác, bản chất của từng nết xấu như thế nào? 

Truyền thống tu đức mô tả bản chất bảy tội đầu như sau. 1/ Dựa theo đoạn văn sách Huấn ca 10,13 (bản Vulgata: “initium omnis peccati est superbia”), đứng đầu các mối tội là tính kiêu ngạo (tự phụ), được đồng hóa với tính hám danh theo truyền thống đan tu Đông phương. Hám danh (kiêu ngạo) là ham muốn được thiên hạ ca ngợi, tuy dù không đáng với công trạng của mình, hoặc vì mù quáng đến nỗi bỏ qua vinh danh Thiên Chúa và ích lợi tha nhân. Từ chỗ hám danh nảy ra các tật: khoe khoang, cãi cọ, tranh dành địa vị, ngoan cố.

2/ Thứ hai là tội Tham lam, nghĩa là ham muốn chiếm đoạt tài sản. Nguyên gốc là một nhu cầu tự nhiên để sinh tồn. Nó trở thành nết xấu khi sử dụng những phương pháp bất chính (trộm cắp, tham nhũng, lường gạt, gian lận), hoặc bo bo giữ của, không biết chia sẻ cho tha nhân (hà tiện).

3/ Tội thứ ba là Dâm dục, nghĩa là ham muốn khoái lạc nhục dục. Nó có thể đưa đến ngại ngùng khi phải chấp nhận hy sinh, bám víu vào những thú vui vật chất đến nỗi lãng quên các giá trị vĩnh cửu.

4/ Thứ bốn là tội Ghen tương, nghĩa là buồn phiền vì thấy điều tốt của người khác làm giảm bớt tiếng tăm của mình. Từ đó sinh ra tật lẩm bẩm, nói hành, hoặc vui thích khi thấy người khác gặp nạn và bực dọc khi thấy họ thành công.

5/ Thứ năm là tội Tham ăn là mê ăn uống quá độ. Từ đó sinh ra tật chè chén say sưa, nói năng to tiếng.

6/ Thứ sáu là tội Nóng giận, phát sinh do ước muốn trừ khử một điều gì ngang trái. Không phải lúc nào sự nóng giận cũng xấu, bởi vì Kinh thánh không ngại nói đến sự thịnh nộ của Thiên Chúa, hoặc thuật lại cơn giận của đức Giêsu khi chứng kiến cảnh buôn bán trong đền thờ (Mc 11,15tt). Nó trở thành nết xấu khi không được kiềm chế (xc. Ep 4,26), hoặc không nhằm đến sự khôi phục công lý mà chỉ nhắm tới việc hạ nhục đối phương, hậm hực tìm cách trả thù, hoặc cãi cọ chửi bới họ, đó là chưa kể việc sử dụng vũ lực.

7/ Sau cùng, thứ bảy tội Biếng trễ có thể áp dụng cho việc ngại ngùng làm việc (lười biếng) nói chung. Riêng trong đời sống tâm linh, các đạo sĩ Đông phương gọi là akeđia, áp dụng cho tính thờ ơ lãnh đạm, hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh (xc. Kh 3,15). Đối với các đan sĩ, đây là ngăn trở lớn nhất cho đời tu. Từ đó sinh ra tật nguội lạnh trong việc giữ luật Chúa, biếng nhác trong việc thi hành bổn phận, sống buông thả theo cảm tính, ngại hy sinh hãm mình, và bỏ cuộc.

Dĩ nhiên, phàm ai dấn thân trên đường trọn lành phải cố gắng diệt trừ các nết xấu vừa nói, qua việc cầu nguyện, thực tập nhân đức (thí dụ chống lại tính kiêu ngạo bằng đức khiêm nhường, chống lại tình tham lam bằng đức thanh bần, vv). Đó là ý nghĩa của bản kinh “cải tội 7 mối có bảy đức”, mà trước đây các tín hữu quen đọc ở nhà thờ trước thánh lễ ngày Chúa nhật: thứ nhất, khiêm nhường chớ kiêu ngạo; thứ hai, rộng rãi chớ hà tiện; thứ ba, giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục; thứ bốn, hay nhịn chớ hờn giận; thứ năm, kiêng bớt chớ mê ăn uống; thứ sáu, yêu người chớ ghen ghét; thứ bảy, siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng. Tuy nhiên, các bậc thầy về đường tu đức cũng cảnh cáo chúng ta về bảy tật xấu len lỏi cả trong đời sống tâm linh.

Như vậy, chúng không còn là tội đầu sỏ mà chỉ là nết xấu mà thôi?

Thiết tưởng vấn đề danh xưng không can hệ cho bằng thực chất. Ai mắc 7 tội đầu sỏ hoặc 7 nết xấu thì biết mình tội lỗi xấu xa. Nhưng khi nói đến 7 tật xấu thiêng liêng, thì các bậc thầy muốn cảnh giác rằng cả người đạo đức thánh thiện cũng mắc phải mà họ không ngờ. Chỉ cần lược qua sự mô tả từng điểm thì sẽ thấy. 1/ Kiêu ngạo thiêng liêng: Họ tự mãn thích thú vì đã đọc kinh cầu nguyện, đã hy sinh hãm mình, giống như người Biệt phái được Luca nói đến trong dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,11-12). Họ ưa lên mặt dạy đời, phê bình chỉ trích người khác. Họ cũng dễ bực bội khi ai vạch cho họ thấy những thiếu sót của mình. Họ không dám chấp nhận rằng mình còn bất toàn. 2/ Tham lam thiêng liêng. Họ thích thu thập các thứ ảnh tượng, xương thánh, đọc hết các sách dẫn đường trọn lành, nghe đủ các bài giảng huấn đức… nhưng bỏ qua việc thực hành nhân đức, tìm cách thi hành ý Chúa. 3/ Dâm dục thiêng liêng. Trong đời sống tâm linh, họ thích tìm an ủi, khoái cảm, hoặc khi cầu nguyện, lãnh bí tích, hoặc là qua các “tình bạn thiêng liêng”. 4/ Nóng giận thiêng liêng. Họ tỏ ra hấp tấp muốn nên trọn lành trong thời gian ngắn. Họ lập danh sách khá dài về những điều quyết tâm phải làm để nên thánh, và đâm ra bực tức vì không thực hiện nổi. Họ cũng không thể chịu đựng những nết xấu của tha nhân, vì thế họ lên tiếng phê bình chỉ trích, tuy dễ quên rằng mình cũng chẳng khá hơn gì! 5/ Tham ăn thiêng liêng. Họ muốn chứng tỏ lòng quảng đại đối với Chúa bằng cách tăng gia thật nhiều các việc đạo đức: đọc kinh, chay tịnh, hãm mình đánh tội. Trên thực tế, họ muốn thỏa mãn nhu cầu của mình, chứ không chịu tuân theo sự hướng dẫn của bề trên hay linh hướng. Sự đi tìm an ủi thiêng liêng cũng được liệt vào tật “tham ăn”. 6/ Ghen tương thiêng liêng. Họ khó chịu khi thấy ai trổi hơn mình về đức hạnh; nhất là khi người đó được thiên hạ thán phục. 7/ Lười biếng thiêng liêng. Họ thích làm những công tác nào mang lại sự thỏa mãn, chứ không chủ trương tìm cách làm theo ý Chúa. Họ ngại ngùng khi phải bước vào con đường hẹp của Thập giá.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.