“Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lk 9: 54)
Sáng nay, tôi có công việc đi gặp cặp vợ chồng bắc sĩ hàng xóm, sỡ dĩ tôi gọi họ là hàng xóm vì họ là gia đình Việt Nam ở thành phố bên cạnh, tôi biết, nằm gần nhà dòng và nhà họ nằm trên đường đến trường học của tôi. [Buồn 30 giầy vì họ sắp rời Boston đi sinh sống ở tiểu bang khác!]
Tôi ngồi NGHE họ ưu tư về những vấn nạn liên quan đến đất nước Việt Nam, đến Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, về các vấn nạn của đời sống gia đình…
Người vợ, vốn hiền lành ít nói, tâm sự: người Việt nam mình kỳ mà còn lạ ghê! Mình làm chín mươi chín việc tốt mà chỉ làm một việc xấu là họ xoá hết những việc tốt ta đã từng làm, chỉ bù lê bù loa vào việc xấu của ta, thậm chí ta ngưng làm việc tốt cũng bị la mắng… Một trăm trừ một KHÔNG phải bằng chín chín mà BẰNG KHÔNG. Cô nhìn tôi và hỏi: “Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam của Cha mấy tuần này ăn nhiều “gạch đá” lắm phải không?”
Nhìn nét mặt tôi có vẻ chưa hiểu thâm ý của người vợ nên người chồng giải thích: Mấy tuần nay báo chí “lề trái” đưa những tin (news) về việc thuyên chuyển nhân sự của nhà dòng cha, việc thay đổi nhân sự trong văn phòng Công Lý và Hoà Bình nên dẫn đến những cung cách phục vụ anh em thương phế binh VNCH cũng thay đổi. Con không biết nhiều về tình hình nội bộ, hay những áp lực tư bề khi các cha “dấn thân” (người viết thay từ ‘dấn thân’ bằng từ ‘đấu tranh’ mà vị bác sĩ dùng) cho các vấn đề công lý và hoà bình, các tệ nạn xã hội… nhưng chắc chắn là bị nhiều áp lức lắm. Tư bề! Con không nhìn về phương diện khách quan hay chủ quan từ phía Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN của cha mà nhìn từ phía phản ứng, suy nghĩ của công chúng – những người đứng bên ngoài.
Công chúng lạ thật! Có một người “cầm đuốc” trong đêm với ước mong ai đó đi qua có được chút ánh sáng le lói giữa đêm tối bão bùng. Giờ người đó mệt mỏi hay thậm chí không còn hơi, còn sức để giơ tay “cầm đuốc” trước những đợt gió buốt lạnh trong đêm khuya khoắt nữa thì tại sao mọi người lại nhảy vào la, mắng, chửi bới anh ta: Tại sao anh không cầm đuốc nữa?
Trong khi đó biết bao nhiều đoàn thể, hội đoàn, cá nhân khác từ xưa đến này không hề cầm đuốc, không hề dấn thân… thì không bị la, không bị chửi, đôi khi lại con được cho là “khôn” nữa!
Tại sao khi thấy anh cầm đuốc: mỏi mệt, gục ngã… Đuốc của anh ta gần tắt, hết dầu mỡ… không đến tiếp sức mà lại chửi bới, la mắng anh ta?
Một số người Việt mình lạ thật! Tại sao không cám ơn anh ta vì chí ít anh ta đã hy sinh, đã can đảm “cầm đuốc” trong một khoảng thời gian nào đấy? Anh ta đã từng làm biết bao việc tốt, giờ anh ta không đủ sức, mệt mỏi rồi… sao mọi người không cho anh nghỉ ngơi? Chẳng nhẽ anh ta tình nguyện cầm đuốc là phải tình nguyện cầm mãi sao? Anh ta làm nhiều việc tốt, giờ anh ta nghỉ, không làm nữa cũng là một tội sao? Có tội là vì anh ta không nhận được sự nâng đỡ nên mệt mọi và quỵ sức! Quỵ sức của anh ta là một tội ư!
Mà chắc gì anh ta đã chịu nghỉ, cái máu cứu người nằm sẵn trong anh ta rồi, anh ta chịu sao nổi khi mọi người bước đi trong đêm tối nguy hiểm. Ai bảo anh mang thân phận: Chúa Cứu Thế. Bằng chứng cha bề trên giám tỉnh trả lời đài BBC: “Tôi cũng vừa trao đổi với cha Tân Bề Trên Tu Viện Saigon. Ngài khẳng định VẪN TIẾP TỤC việc giúp các thương phế binh VNCH.”* Có thể anh ta dừng lại để tiếp thêm dầu, sửa sang lại ngọn đuốc để có sức toả sáng nhiều hơn, bền bỉ hơn!
Tương tự: Có nhiều cá nhân đã dấn thân cho công lý và hoà bình, sau nhiều năm bị tù tội, bị đánh đập, giờ tổ chức nhân đạo, hay tổ chức này nó… đưa họ ra khỏi quốc nội để khỏi bị tù tội thì mọi người cũng nhảy vào nói: tại sao không ở trong nước mà tiếp tục chiến đấu? Sang bên Mỹ, sang Cannada, sang Đức… thì còn làm gì được nữa? Cá tách ra khỏi nước lấy gì mà vùng vẫy?
Họ chịu đau khổ, tù tội bằng ấy năm quá sức họ rồi. Tại sao bắt họ chịu hơn nữa khi chính họ đã không thể, đã kiệt sức?
Tại sao ném đá họ khi họ thôi làm việc tốt? Chín mươi chín việc tốt họ đã làm sao bạn không nhớ, mà chỉ ghim việc họ thôi không làm việc tốt nữa?
Chuyện kể rằng: Trên đường đi Giêsusalem, Chúa Giêsu sai các sứ giả đi trước, và một làng Samaria để chuẩn bị cho người đến, nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Chúa Giêsu đang đi về hướng Giêsusalem. Thấy thế, các môn đệ Chúa Giêsu nói với Người rằng: “Thưa thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Chúa Giêsu quay lại mắng các ông. Rồi thầy trò ĐI SANG LÀNG KHÁC. (xem Lk 9: 51-6). Từ đoạn Kinh Thánh trên chúng ta thấy sự khác biệt về Nguyên Tắc LUÂN LÝ của Chúa Giêsu và các môn đệ:
+ Các môn đệ: nếu ai không làm tốt cho tôi, không giúp đỡ tôi thì tôi ném đá, lấy lửa từ trời thiêu đốt họ. Đây không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.
+ Chúa Giêsu: nếu ai không làm tốt cho Người, không giúp đỡ Người thì Người không làm hại họ, lánh sang thành khác.
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Đâu là Nguyên Tắc LUÂN LÝ của tôi? Anh không làm lợi, làm tốt, không cùng quan điểm với tôi thì tôi ném đá anh? Hay nguyên tắc: tôi không làm tốt cho anh thì ít ra tôi cũng không gây hại cho anh?
Tôi có thoi quen bỏ qua những việc tốt của người khác làm, mà chỉ ghim một việc tốt nào đấy họ không làm theo ý tôi, hay tôi được giúp đỡ từ họ?
Ví dụ cụ thể: Họ đã cho tôi mượn tiền nhiều lần, nhưng lần này tôi cần tiền và mượn… nhưng họ không có điều kiện cho mượn, tôi giận và nghỉ chơi với họ? v…v.
Số 152: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Wednesday of July 2, 2019
* [CHA BỀ TRÊN GIÁM TỈNH GIUSE NGUYỄN NGỌC BÍCH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI BBC_ https://dcctvn.org/2019/05/16/cha-giuse-nguyen-ngoc-bich-giam-tinh-dcct-viet-nam-tra-loi-phong-van-dai-bbc/]
@ [Về TÁC QUYỀN: Với ý thức: “anh em đã được lãnh nhận như không thì hãy trao ban như không” (Mt 10: 8). Quý vị được TỰ DO (free) CHIA SẺ (share), SAO CHÉP (copy) những bài THỨC ĂN NHANH CHO TÂM HỒN của Linh Mục Quảng Trần, C.Ss.R., NHƯNG Trừ Trường Hợp LIÊN QUAN TỚI TIỀN, KINH DOANH và cắt xén bài viết PHẢI được sự đồng ý của tác giả.]