May 28, 2023
 
Đức Mẹ Nói Cùng Tôi

(St. Marie Bernadette Soubirous, Ep. Ad P. Gondrand, a 1861:
cf. A. Ravier, Les Écrits de Sainte Bernadette, Paris 1961, pp 53-59)

Related imageNgày kia tôi cùng với hai đứa con gái khác đi xuống bờ sông Gave, thì thình lình tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng gió vi vu. Tôi ngoảnh đầu lại hướng về phía đồng cỏ gần bờ sông, song cây cối vẫn lặng lẽ, rõ ràng là tiếng động không xuất phát từ chúng. Đoạn tôi nhìn lên và thấy ngay trong động đá một vị nữ lưu mặc chiếc áo trắng dễ thương với chiếc giây thắt lưng óng ánh. Trên chân của bà mỗi bên đều có một bông hồng mầu vàng nhạt, cùng mầu với những hột ở chuỗi mân côi của bà.

Thấy thế tôi giụi hai mắt, nghĩ rằng tôi đang thấy một cái gì đó, và tôi xỏ tay vào viền quần đựng cỗ tràng hạt. Tôi muốn làm dấu thánh giá, nhưng tôi không thể làm được, và tay tôi trở nên rụng rời. Bấy giờ vị nữ lưu này làm dấu thánh giá và tôi cố làm dấu như bà, mặc dù tay tôi run lẩy bẩy. Thế là tôi bắt đầu lần hạt mân côi, trong khi đó vị nữ lưu này lấy ngón tay đưa hạt chuỗi mà không nhép miệng gì cả. Khi tôi hết đọc Kinh Kính Mừng thì bà liền biến đi.

Tôi hỏi hai cô bạn của mình xem họ có thấy được điều gì chăng, họ nói không. Dĩ nhiên họ muốn biết tôi đã làm gì, và tôi cho họ biết rằng tôi đã thấy một vị nữ lưu mặc bộ áo trắng đẹp, mặc dù tôi không biết bà ấy là ai. Tôi dặn họ đừng nói điều gì về câu chuyện này, và họ cho tôi rằng tôi ngớ ngẫn với những thứ ấy. Tôi nói là họ sai rồi, và tôi đã cảm thấy bị thúc đẩy trở lại nơi này vào hôm Chúa Nhật sau đó …

Lần thứ ba tôi đến đó thì vị nữ lưu này đã mở miệng nói với tôi và xin tôi hãy trở lại hằng ngày trong vòng 15 ngày. Tôi nói tôi sẽ làm như thế, đoạn bà bảo tôi rằng bà muốn tôi nói với các vị linh mục hãy xây cất lên một nguyện đường ở đó. Bà cũng bảo tôi hãy uống nước ở rạch nước. Tôi đã đến con sông Gave là giòng nước duy nhất tôi thấy. Thế rồi bà làm tôi nhận ra rằng bà không nói về con sông Gave, mà là một tia nước nhỏ gần chỗ tôi đứng. Tới nơi, tôi chỉ thấy có một vài giọt nước, còn toàn là bùn. Tôi chụm tay lại để hớt lấy một chút nhưng không được, tôi liền cào đất lên. Tôi cố tìm lấy một ít giọt nước, nhưng mãi vào lần thứ bốn tôi mới có đủ lượng nước để uống. Đoạn người nữ lưu biến đi và tôi trở về nhà.

Tôi đã trở lại đấy 15 ngày, trừ một ngày Thứ Hai và một ngày Thứ Sáu, và lần nào bà cũng hiện ra và bảo tôi tìm một rạch nước mà tắm cũng như để xem chuyện các vị linh mục xây nguyện đường ở đó thế nào. Bà nói tôi cũng phải cầu nguyện nữa để cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Tôi đã hỏi bà nhiều lần về ý định của bà, song bà chỉ mỉm cười. Sau cùng, với cánh tay giang ra và đôi mắt ngước lên trời, bà bảo tôi rằng bà là Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong 15 ngày đó, bà đã nói với tôi ba điều bí mật, nhưng tôi không được phép nói với ai cả, và tôi vẫn giữ cho tới nay. 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1343-1344)

 
 

Bí Mật Lộ Đức


 

Image result for thanh nu bernadetteTheo diễn tiến của Biến Cố Thánh Mẫu nổi tiếng được chính thức công nhận xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội từ trước đến nay, thì người ta chỉ nghe nói đến Bí Mật Fatima và Bí Mật La Salette thôi, chứ đâu có bao giờ nghe đến Bí Mật Lộ Đức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có Bí Mật Lộ Đức. Đúng thế, trong 18 lần hiện ra với thiếu nữ Bernadette 14 tuổi tại một hang động ở Massabielle, vào lần hiện ra thứ 7, 23/2/1858, người thiếu nữ quê mùa bần cùng thất học chưa được rước lễ lần đầu này cho biết là Mẹ Maria quả thực đã tiết lộ cho cô biết 3 bí mật riêng (three personal secrets), những bí mật nhiều người tò mò muốn biết nhưng cuối cùng chẳng ai được biết vì Mẹ Maria không cho cô nói lại với ai. Thậm chí cho tới nay, cho dù Bí Mật Fatima phần thứ ba là bí mật đầy rùng rợn (theo óc suy tưởng của nhiều người), tưởng chừng như không bao giờ được Tòa Thánh công bố, vì ích chung, cũng đã được lịch sử ghi nhận nội dung của nó khi nó được Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chính thức tiết lộ ngày 26/6/2000, nhưng Bí Mật Lộ Đức vẫn hoàn toàn là một huyền nhiệm.
    Bí Mật Lộ Đức sở dĩ không được tiết lộ, trước hết, có thể là vì bí mật này chỉ liên quan tới bản thân của vị thụ khải Bernadette thôi. Nếu liên quan tới tình hình thế giới và Giáo Hội, chắc chắn không sớm thì muộn cũng được tiết lộ thôi, như trường hợp của Bí Mật Fatima phần thứ ba vậy. Có thể một trong ba bí mật được Mẹ Maria tiết lộ cho người con gái sống trên đời 35 năm ngắn ngủi đầy đau thương này liên quan tới thân phận của chị, như Mẹ đã tỏ cho chị biết vào lần hiện ra thứ ba, 18/2: “Mẹ không hứa với con hạnh phúc ở đời này mà là đời sau”, một lời cũng đã được tân Chân Phước Zélie Guérin (mới được tôn phong cùng chồng là Louis Martin vào Chúa Nhật Truyền Giáo 19/10/2008 ở vương cung thánh đường Lisieux Pháp quốc), mẹ của chị Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu, cảm nghiệm khi đi hành hương Lộ Đức vào những ngày cuối đời nhưng không được phúc chữa lành. Người ta cũng có thể suy đoán thêm một trong 3 điều bí mật riêng tư được Mẹ Maria tiết lộ cho chị biết ấy liên quan tới ơn gọi tu trì của chị, vì chị đã bắt đầu sống đời tận hiến trong Dòng Chị Em Bác Ái ở Nevers ngày 4/7/1866, khi chị được 22 tuổi, sau Biến Cố Lộ Đức 8 năm, cho đến ngày chị qua đời 13 năm sau, 16/4/1879.
Related image
    Tuy nhiên, ngoài 3 bí mật tư riêng liên quan tới bản thân của vị thụ khải Bernadette, thực tế cho thấy có một Bí Mật Lộ Đức liên quan đến hết mọi người, bởi thế cần phải tìm hiểu và khám phá để có thể đáp ứng “dấu chỉ thời đại” nơi Biến Cố Thánh Mẫu 150 năm (1858-2008) đặc biệt này, nhất là vào dịp Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2008, một lễ liên quan tới danh xưng “Mẹ hoài thai vô nhiễm tội – Que soy era Immaculada Councepciou” của Mẹ ở Lộ Đức vào lần hiện ra thứ 16 ngày 25/3. Vậy cái được gọi là Bí Mật Lộ Đức đây là gì, nếu không phải là cái bí mật tại sao Lộ Đức là nơi có một danh xưng liên quan tới linh hồnvô nhiễm của Mẹ lại là nơi xẩy ra những phép lạ chữa lành xác thân con người? Đúng thế, có hai đặc điểm chính yếu và chuyên biệt ở Lộ Đức, thứ nhất đó là danh xưng “Mẹ hoài thai Vô Nhiễm Tội”, khác với ở danh xưng của Mẹ ở Fatima “Mẹ là Đức Bà Mân Côi” ngày 13/10/1917,  và thứ hai là các cuộc chữa lành bệnh nạn phần xác cho con người, một sự kiện không xẩy ra ở các Biến Cố Thánh Mẫu khác, dù biến cố ấy có thể nổi tiếng hơn như Fatima chẳng hạn. Nếu quả thực đây là Bí Mật Lộ Đức thì ý nghĩa của nó là gì và tại sao lại như thế?
    Vào ngày 13/6/2008, tôi có nhận được một điện thư của vị muốn giúp ý kiến về đề tài tĩnh tâm có lợi cho cả hai đoàn thể Đạo Binh Xanh và Đạo Binh Đức Mẹ: Thánh Mẫu học theo thánh An Phong hay thánh Long Mộng Phố, hoặc linh đạo Fatima. Tôi đã đề nghị trong năm 2008 là thời điểm Mừng Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức 150 năm, cũng là thời điểm Mừng 20 năm Phong Thánh cho Các Chứng Nhân Đức Tin trên Đất Việt, đề tài nên chọn là lời Mẹ nói với chị Thánh Bernadette vào lần hiện ra thứ ba 18/2/1858: ‘Mẹ không hứa với con hạnh phúc đời này mà là đời sau’. Đề tài này rất thích hợp với Bí Mật Fatima phần thứ ba liên quan tới thị kiến tử đạo. Trong phần hội thảo chung, tôi đề nghị nêu lên vấn nạn là: ‘Tại sao ở khi hiện ra ở Lộ Đức, Mẹ Maria tự xưng mình ‘Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm Tội’ ngày 25/3 là những gì liên quan đến phần hồn của Mẹ mà Mẹ lại biến Lộ Đức thành Trung Tâm Thánh Mẫu duy nhất nổi tiếng về các phép lạ chữa lành phần xác cho một số tâm hồn?’ Thế rồi vào ngày 11/8, vị này cho tôi biết rằng: “Đề tài này tuy vậy mà cũng khó, phải có những gợi ý”. Tôi đã hồi âm cho vị ấy là: “Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời được chất chứa trong lời ĐTC GPII huấn dụ trong huấn từ Truyền Tin ở Lộ Đức ngày 15/8/2004 như sau: ‘Từ tảng đá ở động Massabielle, Vị Trinh Nữ này đã hiện ra với Bernadette. Tỏ mình ra như Đấng đầy ơn phúc của Thiên Chúa, Mẹ đã kêu gọi thống hối và nguyện cầu. Mẹ đã chỉ cho Bernadette một mạch nước, và xin em uống mạch nước này. Mạch nước mới mẻ ấy đã trở thành một trong những biểu hiệu của Lộ Đức: một biểu hiệu của sư sống mới được Chúa Kitô ban cho tất cả những ai hướng về Người.”.
    Trong Bài Giảng cho Thánh Lễ Mẹ Đau Thương Thứ Hai 15/9/2008 cho Thành Phần Bệnh Nhân trước tiền đường của Đền Thờ Đức Mẹ Mân Côi Lộ Đức, ĐTC Biển Đức XVI, trong chuyến tông du Pháp quốc ngày 12-15/9/2008, đã tiếp tục khai triển chiều hướng trên đây của ĐTC Gioan Phaolô II liên quan tới biểu hiệu nước ở Lộ Đức, như thể hai vị tỏ ra muốn cùng nhau đi sâu vào tất cả những gì là huyền nhiệm ở Lộ Đức để hoàn toàn làm sáng tỏ cái thực sự là Bí Mật Lộ Đức này trước mọi người:
Related image “Nụ cười của Mẹ Maria là suối nước sự sống. Chúa Giêsu phán: ‘ai tin Tôi thì từ lòng họ sẽ vọt lên những giòng sông chảy nước sự sống’ (Jn 7:38). Mẹ Maria là người đã tin tưởng, và từ cung lòng của Mẹ, những giòng sông chảy nước sự sống đã tuôn ra tưới dội lịch sử loài người. Giòng suối mà Mẹ Maria chỉ cho Bernadette ở Lộ Đức đây là một dấu hiệu đơn sơ về thực tại thiêng liêng nàyTừ trái tim tin tưởng của Mẹ, từ tấm lòng từ mẫu của Mẹ, chảy ra nước sự sống để thanh tẩy và chữa lành. Bằng việc dìm mình vào những bể tắm ở Lộ Đức, rất nhiều người đã khám phá ra và đã cảm nghiệm được tình yêu thương từ mẫu dịu dàng êm ái của Vị Trinh Nữ Maria này, bằng việc tỏ ra gắn bó với Mẹ để liên kết mình chặt chẽ hơn với Chúa! … Đó là lý do tại sao có rất nhiều bệnh nhân đến Lộ Đức đây để được giãn cơn khát của mình nơi ‘nguồn mạch yêu thương’ này, và để cho mình được Mẹ dẫn đến với nguồn cứu độ duy nhất là Chúa Giêsu Cứu Thế Con Mẹ”.
    Tóm lại, nếu ở Fatima, tất cả Bí Mật Fatima (3 phần) được Mẹ Maria tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết vào lần hiện ra thứ ba 13/7/1917, là “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria”, một trái tim liên quan tới định mệnh chung của nhân loại, đến trình trạng “nhiều linh hồn được cứu độ và thế giới được hòa bình”, thì tất cả Bí Mật Lộ Đức là ở nơi nụ cười của Mẹ Maria, một cử chỉ độc đáo chưa từng có trong lịch sử Biến Cố Thánh Mẫu, một nụ cười là suối nước sự sống tràn đầy “vui mừng và hy vọng”, có tác dụng gia tăng đức tin phần hồn, thậm chí chữa lành cả phần xác của một số tâm hồn thiên định nào đó.
    Nếu Biến Cố Thánh Mẫu Fatima liên quan đến lửa, (sự kiện mặt trời nhẩy múa trên trời ngày 13/10/1917), cũng như tới tước hiệu Mẹ Mân Côi, cả hai ám chỉ quyền thế của Mẹ đối với Thiên Chúa (như Bí Mật Fatima phần 3 cho thấy), thì Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức liên quan tới nước, (sự kiện mạch nước vọt lên từ đất ngày 25/2/1858), cũng như tới tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm, cả hai ám chỉ tình trạng Mẹ dồi dào ân sủng là để mang lại sự sống cho con cái khổ đau, như ĐTC BĐXVI khẳng định trong huấn từ Truyền Tin CN 14/9/2008 ở Lộ Đức như sau:
    “Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm được ban cho Mẹ Maria không phải chỉ là một ơn huệ của một cá nhân, mà là một ân sủng cho tất cả mọi người, một ân huệ được ban cho toàn thể dân Chúa. .. chúng ta là con cái của Mẹ Maria, chúng ta cũng được hưởng bổng lộc từ tất cả mọi ân huệ Mẹ có; phẩm vị khôn sánh Mẹ có được nhờ Hoài Thai Vô Nhiễm rạng ngời chiếu tỏa trên chúng ta là thành phần con cái của Mẹ”.
    Bí Mật Fatima và Bí Mật Lộ Đức có một liên hệ mật thiết với nhau thế này: nếu ở Fatima Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ được Mẹ tỏ cho Lucia biết “là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”, thì ở Lộ Đức, Đấng “hoài thai Vô Nhiễm Tội” đến là để “thông ơn Thiên Chúa” cho con cái của mình, được thể hiện rõ ràng nhất qua những lần Mẹ chữa lành phần xác cho một số cá nhân đặc biệt nào đó, trong vô số trường hợp được cho biết là mỗi năm có khoảng 40 vụ chữa lành trình báo cho giáo quyền địa phương Lộ Đức, nhưng Giáo Hội mới chính thức công nhận 67 phép lạ. Nếu việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật được thuật lại trong các Phúc Âm là những gì chứng thực Vương Quốc Thiên Chúa gần đến hay Ơn Cứu Độ sắp hoàn thành thế nào, thì những việc chữa lành phần xác cho con người ở Lộ Đức mãi đến ngày nay, trong một thời đại văn minh tân tiến tột độ về khoa học và kỹ thuật nhưng lại đang bị phá sản đức tin từ thế kỷ 19, cũng là những gì báo trước Nước Mẹ trị đến cho Nước Chúa vinh quang, Nước của “Đức Mẹ Mân Côi” cũng là “Đức Mẹ Thắng Trận”, Đấng đã khẳng định ở Fatima ngày 13/7/1917 cuối phần Bí Mật Fatima thứ hai là “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng”!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL