Ngày xưa, tại các xứ vùng biển Địa Trung Hải, người ta có thói quen pha một chút nước vào rượu, thường nặng và gắt.
Vào bữa Tiệc Ly (bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi chịu tử nạn), phải chăng Chúa Giêsu đã pha chút nước vào rượu nho ? Có thể như vậy, tuy không có một tài liệu nào xác quyết việc này cả. Nhưng từ thế kỷ thứ II, người ta có thể xác định chắc chắn có việc pha nước vào rượu trong thánh lễ.
Nghi thức này có ý nghĩa rất hay: đó là dấu chỉ mối liên quan chặt chẽ giữa thần tính và nhân tính trong Chúa Kitô; đồng thời, là sự liên kết chặt chẽ của chúng ta (tượng trưng bởi nước) với Chúa Kitô (rượu nho) làm thành lễ vật dâng trong trong thánh lễ. Chúa Kitô không tự hiến tế một mình, nhưng liên kết với Giáo Hội mà chính Người là đầu.
Ý nghĩa phong phú của các biểu tượng này được thể hiện trong lời cầu nguyện của vị chủ tế khi pha chút nước vào rượu nho: “Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con”.
Quyên tiền có phải là nghi thức thừa thãi không?
Một số người không thích quyên tiền trong các thánh lễ Chúa nhật, vì việc ấy làm chia trí trong lúc cầu nguyện. Phải chăng đó là hành vi quá vật chất và trần tục trong khung cảnh hoàn toàn thiêng liêng ?
Quyên tiền là một nghi thức rất cổ xưa và là sự tổng hợp của hai cách thực hành đã có từ buổi đầu của Kitô giáo:
° Một đàng, các tín hữu đem bánh và rượu đến để dâng thánh lễ. Các lễ vật này được rước kiệu lên bàn thờ, được chủ tế đón nhận để dâng lên Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của phần Dâng Lễ và lời nguyện tiến lễ (lời nguyện trên lễ vật). Từ thế kỷ thứ IX, vì việc nhận lễ vật bằng tiền mặt có vẻ tiện lợi hơn, nên việc rước kiệu lễ vật được thay thế bằng việc quyên tiền. Việc quyên tiền này trong thánh lễ là dấu chỉ sự tham dự tích cực của mọi tín hữu vào thánh lễ cũng như lễ vật của mỗi người. Nghi thức kiệu lễ vật trong thánh lễ, hiện vẫn còn được thực hiện tại một vài miền và vào các dịp lễ lớn, giữ lại dấu vết của tục lệ cổ xưa này.
° Đàng khác, tình liên đới giữa các phần tử trong cộng đoàn Kitô được cổ vũ ngay từ thời sơ khai để cung cấp cho những nhu cầu của Giáo Hội và của người nghèo.
Do đó việc quyên tiền trong thánh lễ là một trong những phương cách thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tình liên đới với tha nhân.
Linh mục Giuse Vũ Thái Hoà, 40 Câu hỏi về Thánh Lễ, 1996; conggiao.org)