Các lời nguyện trong Sách Lễ Rôma đều kết cấu giống nhau. Thường thấy có ba phần : phần ngỏ lời, phần cầu xin và phần kết thúc.
Phần ngỏ lời thường hướng về Chúa Cha bằng cách dùng những tiếng vắn tắt: «Lạy Thiên Chúa» hoặc «Chúa toàn năng» hoặc «Chúa toàn năng và từ bi…». Theo khuynh hướng tự nhiên giáo dân thường ngỏ lời cầu nguyện với Chúa Kitô. Phụng vụ cũng chiều theo khuynh hướng đó. Chúng ta thấy câu “Xin Chúa thương xót” là ngỏ lời với Chúa Kitô. Câu dân chúng tung hô sau lời truyền phép cũng vậy . Lúc hiệp lễ cầu “ Lạy Chiên Thiên Chúa” và những Kinh Nguyện dọn mình hiệp lễ cũng thế. Tuy nhiên, từ căn bản, thánh lễ vẫn hướng về Chúa Cha, qua Chúa Con làm trung gian trong sự hợp nhất Chúa Thánh Thần.
Phần ngỏ lời này đôi khi cũng dài hơn, dịp lễ trọng hoặc dịp kính một vị thánh, lời cầu xin sẽ dựa vào một lý do, mà lý do này nằm trong câu giải thích ở phần ngỏ lời. Ví dụ : “Chúa đã lấy ánh vinh quang phục sinh mà soi sáng đêm cực thánh này…” “ Chúa đã ban cho nhân loại ơn cứu độ muôn đời, nhờ việc Đức Trinh Nữ Maria thụ thai…”. Lời nguyện lễ Phục sinh và lễ 01 tháng giêng. )
Phần cầu xin thường rất tổng quát, lý do là vì, như đã nói trên, sau lúc thinh lặng, sau lời mời gọi, mỗi người đã phát biểu thầm những ý xin riêng rồi. Có người hỏi: tại sao không có những lời nguyện rõ hơn, linh động hơn? Nhưng như vậy thì không còn thích hợp cho việc cầu nguyện chung nữa. Để có thể phát biểu thay cho mọi người , để khỏi chú ý riêng đến những lời cầu xin quá hẹp hòi, hoặc quá sốt sắng không hợp với trình độ đạo đức của cả cộng đồng, phụng vụ đã tự hạn chế để chỉ dùng những công thức có vẻ dửng dưng và trừu tượng, và đó cũng hợp với tinh thần «một vừa hai phải» của Phụng vụ Rôma.
Trong Sách Lễ mới, nhiều lời nguyện đã được sửa đổi hoặc thay thế. Người ta đã muốn tránh những công thức quá tầm thường hoặc muốn bỏ những lời cầu xin không còn đúng với sự thực bây giờ nữa. Chẳng hạn, ngày trước nhiều lời nguyện trong Mùa Chay nhấn mạnh đến việc ăn chay, mà nay chúng ta không bị buộc nữa, trừ khi tự đi muốn. Hay là trước kia có những lời nguyện cầu xin cho được ơn biết khinh chê mọi sự trần gian, khiến người ta dễ hiểu lầm đây là một thứ đạo muốn trốn nợ đời .
Những lời nguyện trong Sách lễ bề ngoài có vẻ dửng dưng, nhưng nội dung cũng chứa đựng những kho tàng đạo đức mà ta phải cố gắng mới khám phá ra. Chỉ nghe một lần trong khi cử hành thánh lễ thì không đủ . Cần phải bình tĩnh suy đi gẫm lại thì mới thưởng thức được tất cả những cái ngon lành trong đó .
Phần kết thúc đệ trình những lời cầu xin lên Chúa Cha nhờ Chúa Con là tư tế làm trung gian. Từ lâu Giáo hội vẫn sợ ảnh hưởng của bè rối Ariô , chỉ coi Chúa Giêsu như một vị trung gian tầm thường, kém Đức Chúa Cha. Để tránh hiểu lầm đó, Giáo hội đã thêm nhiều chữ để tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô cũng là Thiên Chúa như :« Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, là Thiên Chúa hằng sống hằng trị cùng Chúa, làm một với Chúa Thánh Thần muôn đời».
Câu kết này có vẻ nặng nề, nhưng bớt đi thì lại bỏ mất việc tuyên xưng Đức tin vào Chúa Kitô là Thiên Chúa. Vì thế, câu kết dài này chỉ được dùng trong lời nguyện thứ nhất là lời nguyện chính của thánh lễ, còn lời nguyện thứ hai đọc trên lễ vật, và lời nguyện thứ ba đọc sau khi hiệp lễ thì chỉ dùng câu kết ngắn: « Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con»
Dù dài hay ngắn phần kết thúc lời nguyện cũng mời gọi giáo dân thưa: Amen . Chính nhờ thế mà lời nguyện do Linh mục đọc một mình, nhưng trước đó dân chúng đã cầu nguyện thinh lặng, và sau lại bày tỏ sự tham gia của mình mới trở thành lời nguyện thực sự của cả cộng đồng.
Giáo dân còn thưa Amen nhiều lần suốt trong thánh lễ, chúng tôi sẽ giải thích ý nghĩa phong phú của tiếng Amen sau, vào lúc mà người ta đọc, nhưng lại ít hiểu nghĩa của tiếng đó nhất, tức là lúc giáo dân thưa khi người trao Thánh Thể đọc : « Mình Thánh Chúa Kitô » ( số 42). Ở đây chỉ xin lưu ý rằng: « Amen không có nghĩa là « mong được như vậy», nhưng là một lời tung hô phấn khởi. Chữ Amen vừa nói lên sự đồng ý với lời cầu xin, vừa thừa nhận việc tôn vinh Chúa Kitô trong phần kết thúc lời nguyện.
Thạch Vinh
Trích trong : Tìm hiểu thánh lễ của A.M. Roguet, bản in ronéo, không ghi dịch giả