Sep 17 Thánh Roberto Belamino Giám Mục Tiến sĩ
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN, NĂM A – 17/09/23
Bài Ðọc I: Hc 27, 30 – 28, 9
“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.
Trích sách Huấn Ca.
Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?
Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác. Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. (c. 8).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.
2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Ðáp.
3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. –
BÀI ÐỌC II: Rm 14, 7-9
“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết. Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Alle

PHÚC ÂM: Mt 18, 21-35
“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Lm Peter Lê Thanh Quang
AI CÓ QUYỀN THA THỨ? AI CẦN THA THỨ?
Chắc chắn chúng ta có kinh nghiệm về sự bị tổn thương, bị phản bội, bị người khác xúc phạm. Và cũng không ít lần, chính chúng ta, dù vô tình hay cố ý, đã khiến người khác đau đớn, uất hận…
Gây lỗi lầm cho nhau là bởi không ai toàn vẹn, không ai hoàn toàn cao cả, không ai hoàn toàn có khả năng làm chủ cảm xúc của mình cách tốt nhất trong mọi nơi mọi lúc.
Vì thế cần lắm lòng khoan dung của tất cả mọi người dành cho nhau. Nếu loài người sống bên cạnh nhau mà không thể khoan dung với nhau, sẽ không bao giờ có sự tha thứ, không bao giờ có được tình yêu thương đúng nghĩa, không bao giờ có được sự đỡ nâng do tình người được thể hiện.
Ngược lại, nếu không có lòng bao dung, cuộc sống giữa người với người chắc chắn sẽ toàn hận thù, sẽ toàn những tình cảm muốn trả thù, muốn làm hại nhau, muốn gây đổ vỡ sự an toàn và bình an của nhau. Cuộc sống mà không có hai tiếng “tha thứ” được trao đi, xã hội loài người sẽ vô cùng u ám, tình người sẽ chỉ là thứ tình cảm hiếm hoi, mọi ngày sống sẽ vô cùng đáng sợ, vì ở đâu, lúc nào cũng có đầy những nguy cơ bạo lực.
Nhưng cuộc sống không chỉ có màn đen, vì bất cứ ở đâu, bất cứ ở giai đoạn nào, chúng ta đều có thể bắt gặp những người tốt, những tấm lòng hào hiệp, những tấm chân tình của nhiều người dành cho nhau.
1. Giáo huấn về tha thứ của Thiên Chúa.
Cách riêng với người tín hữu Kitô, ngoài sự hiểu biết tầm quan trọng của lòng khoan dung, tình yêu tha thứ, chúng ta còn được chính giáo huấn của Chúa hướng dẫn.
Trước hết giáo huấn đó xuất phát từ chính TẤM GƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA. Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho chúng ta. Lịch sử cứu độ là lịch sử của tình yêu tha thứ mà Thiên Chúa không ngừng trao ban cho loài người.

CỤ THỂ VÀ ĐỈNH CAO TÌNH YÊU THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ, Đấng vì tội lỗi chúng ta, và để chúng ta được lãnh ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã hy sinh gánh tội chúng ta. Người chết để ta được sống. Người sống lại để ta sống đời đời trong Thiên Chúa cùng Người.
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy phải tha thứ cho nhau như chính Chúa tha cho chúng ta. Khi nói: “Hãy tha đến bảy mươi lần bảy”, chắc chắn Chúa không có ý dạy chỉ tha 490 lần. Đúng hơn, qua cách nói này, Chúa dạy, hãy tha thứ vô vàn lần, tha thứ không giới hạn, tha thứ không mệt mỏi, tha thứ đến tận cùng.
Chúa còn minh họa câu chuyện người đầy tớ và là con nợ của chính chủ mình, được chủ tha vô điều kiện. Nhưng khi anh ta trở thành chủ nợ của một người bạn, anh ta thẳng tay trừng trị bạn mình. Anh ta quên ân huệ mình vừa lãnh nhận nơi chủ, mà nỡ tâm hại bạn. Chủ của anh không thể làm ngơ trước tội của “tên độc ác”. Ông rút lại tất cả ân huệ mà ông đã ban cho. “Ông nổi giận trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ”. Và Chúa Giêsu kết luận: “Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
2. Người tín hữu Kitô sống lòng tha thứ.
Dựa trên tấm gương và lời Chúa dạy, người tín hữu cần luôn khoan dung, buông bỏ lỗi lầm của người khác đã gây ra, giải phóng sự thù hận, oán trách khỏi bản thân. Tha thứ lỗi lầm của người khác đồng nghĩa với việc biết chấp nhận những thiếu sót của bản thân và vị tha với lỗi lầm của anh chị em.
Để tha thứ dễ dàng hơn, chúng ta cần thường xuyên học cách tha:
– Quý những điều tốt đẹp, thiện hảo. Nên nhìn mọi sự, mọi vật, mọi người bằng lăn kính đẹp. Đừng quá chú trọng vào những gì chưa hay, những gì gây nên bi quan, thiếu cởi mở.
– Trân trọng hiện tại, bớt nghĩ về quá khứ. Hãy gác lại những câu chuyện, những hình ảnh, những con người đã từng xuất hiện trong quá khứ, nếu những thứ đó đã từng khiến chúng ta đau buồn hay tổn thương.
– Học tập và ghi nhớ thường xuyên hình ảnh Thiên Chúa tha thứ cho dân riêng của Người, Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhất là hãy nhớ đến tòa giải tội để luôn biết rằng, nếu không có ơn tha thứ của Chúa, chúng ta đã không thể sống mà có bình an, có hạnh phúc. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ đến những tấm gương tha thứ của Kinh Thánh như: Vua Đavid tha cho vua Saun, Chúa Giêsu tha cho thánh Phêrô…
– Hãy cầu nguyện thường xuyên để xin ơn tha thứ của Chúa, để tự thấy mình nhiếu yếu đuối, lỗi lầm mà đủ sức mạnh tha thứ cho anh chị em. Hãy cầu nguyện cho anh chị em xung quanh, nhất là cầu nguyện cho những ai mình gây tổn thương và những ai gây tổn thương cho mình.
Hãy nhớ: Giữ hận thù chỉ khiến ta đau nhiều hơn, bất hạnh hơn, khó đáng yêu hơn. Một khi buông bỏ và giải phóng hận thù, ta sẽ đủ năng lượng sống vui, sống thoải mái với mọi người. Người không ấp ủ những đố kỵ, nhứng oán hận bên trong lòng là người sống tử tế, là người gần gũi, ấm áp, nồng nàn, tận tình, luôn dễ mến, dễ thương trong mắt mọi người xung quanh.
Đó là chưa kể đến lãnh vực đức tin. Bởi khi chúng ta sống mà không có bất cứ mối hận nào, chúng ta cũng dễ dàng nhận lãnh tình yêu của Chúa, lòng bao dung rộng lượng và tha thứ của Chúa. Chính Chúa dạy chúng ta và chính chúng ta đọc thường xuyên lời dạy ấy: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Dũng