Thánh Philipphê Nêri, linh mục. Lễ nhớ.

Sinh năm 1515 tại Phirenxê, thánh nhân đến Rôma và dấn thân lo cho thanh thiếu niên. Người đi vào con đường trọn lành và lập một hội chuyên phục vụ người nghèo. Lãnh chức linh mục năm 1551, người lập Dòng Ô-ra-toa, chuyên lo cầu nguyện và làm việc bác ái trong giới thanh thiếu niên, các bệnh nhân, các tù nhân. Nét nổi bật trong đời của thánh nhân là người yêu thương tha nhân cách thiết thực, đơn sơ và vui vẻ. Người qua đời năm 1595.

Thứ Sáu, Tuần 7 Phục Sinh, Năm 1 – 26/05/23

Bài Ðọc I: Cv 25, 13-21

“Ðức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: “Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: “Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình”. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế”. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab

Ðáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Ðáp.

3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 21, 15-19

“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.Ðó là lời Chúa.

Lm Peter Le Thanh Quang

Suy niệm : Cơ hội thứ hai.

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong một cuộc phỏng vấn, khi những người trung niên và lớn tuổi được hỏi về những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, họ có hối tiếc gì không, và nếu có cơ hội thứ hai, họ sẽ quyết định như thế nào. Một số người cho biết, họ vẫn làm những gì họ đã chọn lựa. Ngược lại, một số đông cho biết họ đã chọn lựa sai ở một số thời điểm quyết định sự thành bại, và nếu bây giờ có cơ hội thứ hai, họ sẽ chọn lựa khác hẳn.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban cho Phêrô cơ hội thứ hai. Thật thế, trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ: “Tất cả các con sẽ bị vấp ngã vì Ta trong đêm nay”. Nghe thế, Phêrô phản đối và quả quyết: “Cho dù tất cả vấp ngã vì Thày, con sẽ không vấp ngã bao giờ”, nhưng rồi chỉ vài giờ sau đó ông đã nhát đảm chối Thày đến ba lần. Giờ đây, sau khi Phục sinh. Chúa Giêsu đã gặp riêng Phêrô và cho ông cơ hội thứ hai. Chúa hỏi: “Simon, con của Giona, con có mến Ta hơn những người này không?. Phêrô không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: những giọt lệ thống hối chân thành sau khi chối Thày đã không đủ để minh chứng mình yêu mến Thày sao? Nhưng Phêrô đã học được bài học của quá khứ, nhất là bài học khiêm nhường cần thiết để lãnh nhận ơn cứu rỗi mà nhóm Biệt phái không thể lãnh nhận được vì tự cao tự đại. Phêrô đã thưa: “Lạy Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày”. Ba lần hỏi dẫn đến ba câu trả lời cùng một nội dung, nhưng không phải là để bù đắp cho ba lần chối Thày trước đây, mà là một đòi hỏi tiên quyết là tuyên xưng lòng yêu mến. Sau đó, Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội, Phêrô đã sống đến tận cùng cơ hội thứ hai và đã sẵn lòng chết vì niềm tin của mình.

Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần mà là nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải thành tâm nhìn nhận tội lỗi, xin ơn tha thứ và bắt đầu lại. Do đó mối hiểm nguy là do chúng ta tự định giới hạn cho lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, mà không xin Ngài một cơ hội khác. Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai đã phản bội Thày trong cùng một ngày, nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại, còn Phêrô đã tận dụng cơ hội được ban cho và đã toàn thắng.

Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ra lòng nhân từ vô biên của Chúa, để chúng ta luôn khiêm nhường chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã, và xin Chúa ban cho chúng ta trung thành với ơn Chúa cho đến cùng.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Dũng

Discover more from Radio Lòng Chúa Thương Xót

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading