CHÚA NHẬT, LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA – 01/01/23
BÀI ĐỌC I: Ds 6, 22-27
“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
Trích sách Dân Số.
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: ‘Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con’. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Đáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con. (c. 2a).
Xướng:1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. – Đáp.
2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. – Đáp.
3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gl 4, 4-7
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Dt 1, 1-2
Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 2, 16-21
“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi…và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Lm Peter Lê Thanh Quang
SỨ ĐIỆP CỦA MÁNG CỎ…
LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA 2023
Nội dung Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa cho biết, sau khi các mục đồng nhận được tin từ các thiên thần, họ đến viếng hang Bêlem và gặp thấy “Đức Maria, thánh Giuse vàHài Nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).
Chúa Trời làm người không ngự trong đền đài, lại nằm trong máng cỏ. Hình ảnh thực tế của sự nghèo hèn đó lại có thể là câu trả lời hùng hồn xác nhận lời của thiên thần.
Máng cỏ. Tưởng chỉ là hèn hạ, lại có thể cho các mục đồng, cũng là những con người bị xem là hèn hạ của thế giới loài người, tìm thấy, gặp gỡ, tôn thờ Đấng Cứu Thế, đồng thời dâng niềm tin của mình cho Ngài.
Máng cỏ. Vật dụng thường ngày của các mục đồng. Họ không lạ gì với chúng. Không có chúng, họ thiếu phương tiện chăm sóc đàn vật. Không có chúng, có thể sẽ khiến đàn vật ốm đói.
Máng cỏ. Với các mục đồng, xưa nay đã khá quan trọng cho việc chăn nuôi. Nhưng chắc chắn, dù có nằm mơ, có giỏi tưởng tượng, các mục đồng nói riêng, cả loài người nói chung, không ai có thể nghĩ ra nổi, sẽ có một ngày, Đức Chúa Trời đặt mình vào đó như một trẻ thơ!
Máng cỏ. Nơi mà Đấng là Chúa Trời, Đấng mà dù vũ trụ hay thiên đàng không chứa nổi, lại chỉ cần một máng cỏ giữa chốn nghèo nàn, không còn có thể có chốn nào nghèo hơn, lại có thể chất chứa.

Máng cỏ. Tưởng chừng chỉ là vật dụng chứa thức ăn nuôi gia cầm, bỗng dưng lại mang sứ mạng cao cả khó có thể hình dung: NÓ KHÔNG CHỈ DIỄN TẢ TÌNH YÊU VƯỢT TRÊN CHÍNH NÓ MÀ CÒN DIỄN TẢ TÌNH YÊU KHÔNG GIỚI HẠN CỦA CHÍNH ĐẤNG LÀ TÌNH YÊU.
Máng cỏ. Nơi có mùi nước miếng của loài gia cầm, nơi có mùi thơm ngai ngái của cỏ đồng hoa nội, nơi có chứa chút tình của người chăn và đoàn vật nuôi dành cho nhau, giờ đây lại CHỨA ĐỰNG SỰ DIỄN TẢ MẠNH MẼ TÌNH YÊU CỦA TRỜI CAO DÀNH CHO TRẦN THẾ.
Máng cỏ. Sao nhiệm mầu quá đỗi. Tưởng chỉ là thứ tầm thường. Tưởng chỉ là thứ có thể quăng lăn lóc đâu đó trong góc chuồng vật, trong tận cùng của sân sau khu nhà, trong chốn âm u của một mảnh vườn nào đó…, bỗng dưng trở nên vỹ đại đến vậy: NÓ LÀ NGAI, HAY ÍT NỮA THÌ CŨNG LÀ GIƯỜNG CỦA CHÚA TRỜI BUỔI ĐẦU LÀM NGƯỜI.
Chính nơi hình hài một trẻ thơ nằm trong máng cỏ, Chúa trở nên gần gũi đến vô cùng với kiếp sống và sự sống của mỗi chúng ta. Chúa chạm đến trái tim chúng ta bằng sự cảm thông đến mức trở nên nhỏ bé, đến mức trở nên yếu đuối, đến mức trở nên tầm thường, để chúng ta nắm lấy một bầu yêu của trái tim Chúa mà rót vào tim mình, mang tim đã chứa tình yêu của Chúa nơi mình đi ra và làm tuôn chảy trên mọi ngã của đời sống.
Đó là niềm vui, là tin mừng cho chúng ta, cho những ai thấy mình thấp kém; những ai đói khổ, bệnh tật, lầm than, đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn.
Đó là những ai bị loại trừ, bị bỏ rơi; những ai đang bị quên lãng trong cô đơn, mồ côi, túng bấn, lam lũ, tù đày.
Đó là những ai đang mất quê hương, mất tự do sống, hoặc phải đối diện với những cái chết tấn công bất cứ giây phút nào khi phải dập dền trên sóng nước đang tìm đường vượt khỏi hải phận của quốc gia mình để vươn tới tự do, vươn tới con đường sống khác…
Đó là những ai đang bị cướp mất không chỉ vai trò chánh trị, tiếng nói công lý, quyền bênh vực cho lẽ sống, cho nhân quyền, mà còn bị cướp mất chủ quyền, cướp mất quyền làm người, cướp mất quyền được sống như mọi người, cướp mất vai trò của đức tin, thậm chí bị xóa luôn cả nền văn hóa…
Tuy nhiên, nội dung Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa, ngoài hình ảnh các mục đồng nhận biết Hài Nhi trong máng cỏ, còn có hình ảnh Mẹ Thiên Chúa âm thầm cầu nguyện, âm thầm sống nội tâm: “Còn bà Maria thìhằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).
Đang khi chứng kiến cảnh đau lòng nhất: Con mình sinh ra trong nơi nghèo khó không còn có chỗ nào nghèo khó hơn, Đức Mẹ chọn một lối hành xử trưởng thành nhất. Đức Mẹ âm thầm cầu nguyện, âm thầm suy gẫm, âm thầm kết hợp với Thiên Chúa, âm thầm lần tìm thánh ý Thiên Chúa giữa hoàn cảnh mà nhiều người, nếu rơi vào, có thể phàn nàn, trách móc Thiên Chúa.
Vì thế, trong ngày lễ Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa, mẹ của Đấng là chính sự Bình An, và ngày Quốc tế Hòa bình, đọc lại sứ điệp từ máng cỏ để chúng ta học lấy bài học của Đức Mẹ mà cầu nguyện không ngừng cho quốc gia mình, cho mọi anh chị em xung quanh và trên khắp thế giới. Chúng ta cũng cầu xin cho mình luôn biết nội tâm hóa mọi chiều kích của đời sống như Đức Mẹ.
Hãy làm như Mẹ Thiên Chúa đã làm, đó là tìm thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những khi bế tắc nhất, đen tối nhất, thảm bại nhất.
Ngày đầu năm mới, chúng ta chạy đến đặt mình dưới sự che chở của Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta.
Xin Đức Mẹ dạy chúng ta biết tìm thánh ý Chúa suốt đời mình.
Xin Đức Mẹ củng cố nơi chúng ta đức tin mạnh vào Chúa như chính Đức Mẹ, để chúng ta có thể vượt qua mọi thác lũ của đời sống.
Nhất là những lúc chúng ta không còn biết giải quyết những khó khăn ập đến bằng cách nào, thì hãy dựa vào thái độ vững vàng trong đức tin của Đức Mẹ mà tín thác cho Chúa những hoàn cảnh, những con người, những đường lối, những cách thức quyết định và giải quyết của mình hay của tập thể, hay của cả một chủ trương mà mình phải hoặc anh chị em của mình phải đón nhận và bị chi phối bởi những chủ trương ấy…
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Dũng