CHÚA GIÊSU, THÁNH PHAOLÔ VÀ CHÚNG TA
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên
Dẫn nhập: Mùa Chay là thời gian tập từ bỏ dần dần những quyến luyến trần gian, để đi đến sự từ bỏ hoàn toàn, dứt khoát và cuối cùng là đón nhận cái chết trong đức tin, đức cậy và đức mến. Vì thế, trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, suy niệm về SỰ CHẾT sẽ giúp chúng ta ý thức về thân phận bụi tro của mình, và cũng giúp chúng ta ý thức phải luôn chuẩn bị cho giờ chết. Là người, ai cũng sẽ chết. Nhưng xem ra, rất ít người quan tâm chuẩn bị cho giờ phút cuối cùng và tối quan trọng này. Những bài suy niệm về cái chết dựa vào kinh nghiệm của thánh Phaolô sau đây rất đáng cho chúng ta đọc, suy tư và cầu nguyện.
MẦU NHIỆM THỨ BẢY TUẦN THÁNH
(Bài giảng của ĐGH Bênêđictô XVI. Dịp đến kính viếng Khăn Liệm được trưng bày ở Turinô. Ngài liên kết mầu nhiệm của ngày này với mầu nhiệm của sự thinh lặng.)
“Chúng ta có thể nói Khăn Liệm là hình tượng của mầu nhiệm Ngày Thứ Bảy Tuần thánh. Thực vậy, đó là vải liệm đã bao bọc di hài của một người bị đóng đinh tương hợp hoàn toàn với những gì các Tin mừng thuật lại cho chúng ta về Chúa Giêsu. Ngài bị đóng đinh vào khoảng giữa trưa, tắt thờ khoảng 3g sau trưa. Chiều đến, mà đó lại là buổi chiều trước ngày Sabát trọng đại của lễ Vượt Qua, Giuse Arimathia, một người giầu có và nhiều ảnh hưởng trong Thượng Hội Đồng Do thái, đã can đảm đến xin Philatô cho phép an táng Chúa Giêsu trong huyệt đá mới, được khoét vào vách núi, không xa đồi Golgôtha. Được phép, ông mua một vải liệm, và sau khi tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá, ông bọc thi hài Chúa trong tấm vải liệm này và táng xác Chúa trong mồ (Xem Mc 15, 42-46). Đó là những gì Tin Mừng Marcô thuật lại và các Tin Mừng khác cũng giống vậy. Từ lúc đó, Chúa Giêsu nằm trong mồ cho đến rạng đông của ngày sau ngày Sabát, và khăn liệm thành Turinô cung cấp cho chúng ta hình ảnh xác Chúa nằm trong mồ suốt thời gian này, một thời gian tương đối ngắn ngủi, khoảng một ngày rưỡi, nhưng lại là thời gian đem lại giá trị và ý nghĩa bao la, vô cùng.
Ngày Thứ Bảy Tuần thánh là ngày Thiên Chúa ẩn mình, như chúng ta đọc được trong một bài giảng cổ xưa: “Điều gì đã xảy ra? Hôm nay, một sự thinh lặng lớn lao bao phủ địa cầu. Một sự thinh lặng lớn lao và một sự yên tĩnh lớn lao. Một sự thinh lặng lớn lao bởi vì Đức Vua đang ngủ… Thiên Chúa ngủ yên trong thân xác, và Ngài đánh thức những người trong ngục tối”. (Bài giảng về ngày Thứ Bảy Tuần thánh, PG 43, 439). Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu Kitô: “Bị đóng đinh thời quan Pontiô Philatô, chết và được táng xác, xuống ngục tổ tông. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”.
Anh chị em thân mến, thời đại chúng ta, cách riêng sau khi đã vượt qua thế kỷ cuối cùng vừa rồi, nhân loại đặc biệt nhạy cảm với mầu nhiệm ngày Thứ Bảy Tuần thánh. Thiên Chúa ẩn mình trở thành linh đạo của con người hôm nay, theo cách thế hiện sinh, hầu như vô thức, thể hiện qua sự trống rỗng của con tim, một sự trống rỗng ngày càng lớn rộng ra. Vào cuối thế kỷ XIX, Nietzsche đã viết: “Thiên Chúa đã chết! Và chính chúng ta đã giết Ngài!” Nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy câu nói nổi tiếng này hầu như lấy lại từng câu từng chữ trong Chặng Đàng Thánh Giá theo truyền thống Kitô giáo, chặng đàng thánh giá chúng ta đọc mà có lẽ không hiểu đầy đủ những gì mình đọc. Sau hai Thế Chiến, sau những Lò sát sinh của Đức quốc xã, các trại cải tạo của Liên Xô, nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, thời đại chúng ta trở nên Ngày Thứ Bảy Tuần thánh ngày càng lớn rộng hơn: Bóng tối của ngày này chất vấn tất cả những ai tự hỏi về sự sống, nhất là những người có đức tin như chúng ta. Chính chúng ta, chúng ta cũng phải tìm câu trả lời cho vấn nạn bóng tối này.
Nhưng dù sao, cái chết của Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Nadarét, đã đem đến một một điều gì đó ngược lại, một điều hoàn toàn tích cực, và là nguồn an ủi và hi vọng. Điều đó làm tôi nghĩ đến Khăn Liệm giống như một tài liệu “hình ảnh”, gồm cả hai khía cạnh: “tích cực” và “tiêu cực”. Quả thật đúng là như vậy: mầu nhiệm tăm tối nhất của đức tin, đồng thời cũng là dấu hiệu sáng tỏ nhất của niềm hi vọng không giới hạn. Thứ Bảy Tuần thánh là “mảnh đất không thuộc về ai” giữa sự chết và sự sống lại, nhưng trong “mảnh đất không thuộc về ai” này, Một Đấng đã vào, Đấng Độc Nhất đã băng qua mảnh đất đó bằng những dấu chỉ của cuộc Khổ Nạn vì loài người: “Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, Cuộc Khổ nạn của con người”. Và Khăn Liệm đích thực muốn nói cho chúng ta về giây phút này, nó làm chứng rõ ràng về khoảng thời gian duy nhất mà người ta không thể lặp lại trong lịch sử nhân loại và vũ trụ, trong thời gian đó, Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Kitô, đã chia sẻ không những sự chết của chúng ta, mà còn chia sẻ thân phận phải ở trong sự chết của chúng ta nữa. Một sự liên đới triệt để nhất.
Trong “thời gian-vượt khỏi-thời gian” này, Đức Giêsu Kitô “đã xuống ngục tổ tông”. Câu này có ý nghĩa gì? Nghĩa là Thiên Chúa, khi làm người, đã đi vào sự cô đơn cực độ và tuyệt đối của thân phận con người, nơi không có lấy một tia sáng tình yêu, nơi ngự trị của sự bỏ rơi hoàn toàn, không có lấy một lời an ủi: đó là “ngục tổ tông”. Đức Giêsu Kitô, khi ở lại trong sự chết, đã vượt qua ngưỡng cửa của sự cô đơn tối hậu này để đưa chúng ta cùng vượt qua với Người. Đôi khi tất cả chúng ta có một cảm giác bị bỏ rơi khủng khiếp, và điều làm chúng ta sợ nhất trong sự chết rõ ràng là cảm giác bị bỏ rơi đó, giống như những em bé, chúng ta sợ hãi thấy mình trơ trọi trong bóng tối, và lúc ấy, chỉ có sự hiện diện của một người nào đó yêu thương chúng ta mới có thể làm chúng ta vững tâm.
Hiển nhiên đó là những gì đã xảy ra ngày Thứ Bảy Tuần thánh: trong vương quốc tử thần đã vang lên tiếng nói của Thiên Chúa. Một điều không thể tưởng tượng, nhưng “đã xảy ra”: Tình Yêu đã đi “vào ngục tổ tông”. Trong bóng tối cực độ của sự cô đơn tuyệt đối nhất của con người, chúng ta có thể nghe được một tiếng kêu gọi chúng ta và thấy một bàn tay nắm lấy chúng ta và đưa chúng ta ra ngoài. Con người chúng ta sống là để được yêu thương và dể có thể yêu thương; và nếu trong không gian của sự chết có tình yêu tiến vào, thì cũng có nghĩa là sự sống đã đến. Vào giờ phút cô đơn cực độ, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi trơ trọi một mình: “Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, Cuộc Khổ nạn của con người”. Đó là mầu nhiệm của ngày Thứ Bảy Tuần thánh! Rõ ràng từ đó, từ bóng tối sự chết của Con Thiên Chúa, ánh sáng của một niềm hi vọng mới đã xuất hiện: ánh sáng của sự Phục sinh.
Như vậy, dường như đối với tôi, khi nhìn Khăn Liệm thánh này với con mắt đức tin, chúng ta thoáng nhận ra một cái gì đó của ánh sáng Phục sinh này. Thực vậy, Khăn Liệm thánh này đã chìm ngập trong bóng tối sâu thẳm (của sự chết), nhưng đồng thời nó cũng toả sáng (niềm hi vọng); và tôi nghĩ nếu hàng ngàn hàng vạn người tới kính viếng Khăn Liệm thánh, không kể đến những người chiêm ngắm nó cách gián tiêp qua những hình ảnh, chính là bởi vì, trong tấm Khăn Liệm này, họ không chỉ thấy bóng tối, mà còn thấy ánh sáng; không chỉ thấy biết bao nhiêu thất bại trong cuộc sống và trong tình yêu, mà đúng hơn, họ còn thấy sự chiến thắng, chiến thắng của sự sống trước cái chết, chiến thắng của tình yêu vượt qua hận thù; họ thấy rõ cái chết của Chúa Giêsu, nhưng cũng thoáng thấy sự Phục sinh của Người; ở giữa lòng sự chết, con tim của sự sống đã đập bởi vì tình yêu đã hiện diện ở đó.
Đó là quyền năng của Khăn Liệm thánh; của khuôn mặt “một Con người tràn ngập đớn đau”, Con người đó mang trên thân mình cuộc khổ nạn của mọi người thuộc mọi nơi, mọi thời, nghĩa là những cuộc khổ nạn của chúng ta, những đau khổ của chúng ta, những khó khăn và ngay cả những tội lỗi của chúng ta nữa – “Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, cuộc Khổ nạn của con người” – từ khuôn mặt này toát ra một vẻ uy nghiêm trọng đại, một sự vĩ đại đầy mâu thuẫn. Khuôn mặt này, đôi tay và đôi chân này, cạnh sườn này, và toàn thể thân mình này đều cất tiếng nói, và chính Người là lời mà chúng ta có thể nghe thấy trong thinh lặng.
Khăn Liệm nói gì với chúng ta? Khăn Liệm nói lên bằng máu, và máu là sự sống! Khăn Liệm thánh là hình tượng được viết bằng máu; máu của một người bị đánh đòn, bị đội vòng gai trên đầu, bị đóng đinh và bị lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn. Hình ảnh in trên Khăn Liệm là hình ảnh của một người chết, nhưng máu lại nói lên sự sống. Mỗi vết máu đều nói lên tình yêu và sự sống. Cách riêng, vết thương ở cạnh sườn, vết thương hình thành bởi nước và máu đã dạt dào chảy ra do ngọn giáo của người lính Rôma đâm thâu, máu và nước ở đây nói lên sự sống. Đó như một tiếng thì thầm trong thinh lặng, và chúng ta, chúng ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm đó, chúng ta có thể lắng nghe trong thinh lặng của ngày Thứ Bảy Tuần thánh.”