April 1, 2023

Thứ Ba, Tuần 19 Thường Niên, Năm 1 – 13/08/19

Bài Ðọc I: Ðnl 31, 1-8 “Giosuê, anh hãy dũng mạnh và can đảm: anh sẽ đem dân vào Ðất Nước”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê đến nói với toàn dân Israel tất cả những lời này: “Tôi hôm nay đã một trăm hai mươi tuổi. Tôi không còn đi đứng được nữa, nhất là khi Chúa đã phán cùng tôi rằng: “Ngươi sẽ không qua sông Giođan này”. Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ qua trước ngươi, chính Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy trước mặt ngươi và ngươi sẽ thắng chúng. Chính Giosuê sẽ qua trước ngươi như Chúa đã phán. Chúa sẽ đối xử với chúng như đã đối xử với Sêhon và Og là vua người Amorê và với đất nước các vua ấy. Người đã tiêu diệt chúng. Vậy khi Chúa nộp chúng cho các ngươi, các ngươi sẽ đối xử với chúng như tôi đã truyền cho các ngươi. Hãy dũng mạnh và kiên trì, đừng sợ, đừng kinh hãi trước mặt chúng. Vì chính Chúa là Thiên Chúa các ngươi dẫn đường cho các ngươi, Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi các ngươi”.

Ông Môsê gọi ông Giosuê đến và nói với ông trước mặt toàn dân Israel rằng: “Hãy dũng mạnh và can đảm: vì anh sẽ đem dân này vào Ðất Nước Chúa đã thề hứa sẽ ban cho cha ông chúng; chính anh sẽ bắt thăm phân chia phần đất ấy. Chúa là Ðấng dẫn đàng cho anh, chính Người sẽ ở với anh. Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi anh. Anh đừng sợ và đừng kinh hãi”.Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðnl 32, 3-4a. 7. 8. 9 và 12

Ðáp: Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình. (c. 9a).

Xướng: 1) Tôi sẽ kêu cầu thánh danh Chúa. Các ngươi hãy mang sự uy linh lại cho Chúa chúng ta. Các công trình của Thiên Chúa đều hoàn hảo, và mọi đường lối của Người đều chính trực. – Ðáp.

2) Ngươi hãy nhớ lại những ngày xa xưa, hãy tưởng nghĩ lại mỗi thế hệ: Hãy hỏi cha ngươi, và người sẽ loan báo cho ngươi; hãy hỏi tổ phụ ngươi, và các ngài sẽ chỉ dạy ngươi. – Ðáp.

3) Khi Ðấng Tối Cao phân chia các dân tộc, khi Người tách biệt con cái của Ađam, Người đã thiết lập ranh giới của các nước, chiếu theo số con cái Israel. – Ðáp.

4) Nhưng Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình, chọn Giacóp làm dây đo cơ nghiệp của Người. Chỉ có một Chúa là Ðấng dẫn đưa nó, và chẳng có Chúa nào khác ở với nó. – Ðáp.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

“Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

image.png

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.

“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.

SUY NIỆM

NÊN NHƯ EM NHỎ

Một tiểu thuyết gia đã đưa ra nhận định: “Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ những nếp sống cần có trong cộng đoàn: “trở lại” và “nên như” em nhỏ. “Trở lại” và “nên như” em nhỏ là gì nếu không phải là có tinh thần đơn sơ, trong trắng, và biết sống tín thác vào Thiên Chúa. Bởi, khi tín thác là khi gắn bó, khi tín thác là khi đặt cuộc đời trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đây chính là giá trị cao quý của người môn đệ Đức Giêsu.

Các Kitô hữu được mời gọi trở nên như em nhỏ. Không phải theo nghĩa trở vào lòng mẹ rồi sinh ra lần nữa. Không phải nhỏ bé về thể xác cho bằng nhỏ bé về tinh thần: mang lấy Thần Khí của khiêm nhường, tín thác, ngoan ngoãn, đơn sơ và trong trắng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tinh thần đơn sơ trước mặt Chúa và khiêm nhường trong tương quan với mọi người xung quanh. Amen.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

Nữ tu Rita, người mang sứ điệp

của ĐTC đến cho các tù nhân

Vào năm 2015, tại Tòa nhà Quốc hội, thành phố Rôma đã tổ chức trao giải thưởng vinh danh các phụ nữ nổi bật trong việc phục vụ cộng đồng. Trong số đó có một phụ nữ không phải là một thiên tài, một tài tử điện ảnh mà là một thiên thần của nhà tù, một người mẹ của rất nhiều chàng trai, người mà họ có thể tin tưởng kể lại những thảm kịch cuộc đời của mình và hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.

Người phụ nữ đó là sơ Rita Del Grosso, nữ tu dòng Các Nữ tử Bác ái Canossiane, đã trên tám mươi tuổi. Từ năm 2004 sơ hoạt động bác ái cho các tù nhân. Sơ đi từ nhà giam này tới nhà tù khác để phục vụ các tù nhân với mong ước có thể đem lại những điều tốt nhất cho họ. Sơ nói: «Nếu tôi phải nói điều quan trọng nhất mà tôi đã có được cho đến lúc này, đó chính là những tình cảm biết ơn mà các chàng trai dành cho tôi. Họ là những người đã tìm thấy sự khích lệ, nâng đỡ của tôi. Một số người trong số họ đã liên lạc lại với tôi sau khi họ tự do và điều này làm tôi rất vui”.

Hai điện thoại, một túi xách, một ba lô, một cuốn sổ tay đầy các cuộc hẹn và một danh sách dài những việc cần làm. Đó là tất cả hành trang của sơ Rita, người luôn sẵn sàng đi đến phục vụ nơi các nhà tù.

Ngọn nến hy vọng

Khi được một nhà báo phỏng vấn về công việc, sơ Rita liền nói: “Bạn hãy viết và nhấn mạnh rằng kinh nghiệm trong nhà tù không phải tất cả là một thời kỳ đen tối và bạo lực. Nó phụ thuộc vào cách người ta sống tương quan với nó và trên hết là cách ta quản lý của các cơ sở này, làm sao để những người sống sau song sắt có thể được lắng nghe nhu cầu của họ. Trong một số trường hợp, có thể tái sinh thực sự”.
Tất cả những gì các tù nhân chia sẻ, kể lại cùng vời những suy tư của mình sơ Rita thể hiện trong các tác phẩm: Lòng thương xót giải thoát và biến đổi hơn mọi hình phạt, Những tư tưởng tự do, Thinh lặng, Roma và thực tế, những cuộc sống ẩn giấu, không gian của ánh sáng giữa những bụi gai rối bời. Sơ Rita nói: “Tôi mời các chàng trai kể lại cuộc sống của họ bằng cách viết ra. Tôi thu thập công việc của họ và xin được một số tiền để xuất bản những trải nghiệm này. Tất cả đều được nhận tiền công cho dù trong số đó có những người không có khiếu kể. Nhưng tôi là người “bướng bỉnh”.

Các tù nhân biết rõ những gì họ cộng tác với sơ. Tất cả tình nguyện viên, các nhà giáo dục, cảnh sát trại giam, giám đốc nhà tù đôi khi phàn nàn, nhưng thông cảm, về việc làm “quá mức”, quyết tâm đạt được các mục tiêu của sơ. Sơ còn còn thuyết phục giám đốc các nhà tù cho phép các tù nhân được tham gia vào các hoạt động tinh thần do chính sơ tổ chức như: các buổi hành hương, cầu nguyện, các buổi hòa nhạc, tham quan Nhà nguyện Sitina.

Khi được hỏi bí quyết nào giúp sơ có thể giao tiếp và được các tù nhân đón tiếp một cách ưu ái, sơ cho biết: “Tôi làm những gì ĐTC Phanxicô làm khi Ngài vào thăm tù nhân: Tôi lắng nghe họ. Tận sâu thẳm luôn có trong tôi câu hỏi: ai là tù nhân? Là một người bị tổn thương cần được chăm sóc, tốt nhất là lắng nghe những gì họ muốn nói với bạn, không có gì khác hơn. Tùy thuộc rất nhiều vào việc sẵn sàng đối thoại và cởi mở. Hầu hết họ đã sống những kinh nghiệm đau thương trong thời thơ ấu và thiếu niên. Một số đã là thành phần các tổ chức tội phạm, đối tượng nhắm đến của các tổ chức tội phạm”.

Sơ Rita quan tâm đặc biệt đến tù nhân nữ, sơ cho biết: «Đối với phụ nữ, con đường giam giữ rất khó khăn vì họ cũng là mẹ. Lúc đầu, bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng bạn có thể nói chuyện với một người phạm tội nghiêm trọng, nhưng sau đó mọi sự thay đổi. Họ yêu cầu giúp đỡ và sẵn sàng làm việc. Họ biết cách làm nhiều việc và thể hiện bản thân bằng các kỹ năng thủ công của mình. Họ thường nói về trẻ em và đây đã là một dấu hiệu thay đổi rất quan trọng”.

Khi hỏi về kế hoạch cho những ngày tiếp theo sơ cho biết: “Tôi mời các sinh viên đi thăm các tù nhân cùng với tôi, tôi nghĩ đây chắc chắc sẽ là một trải nghiệm tốt cho cuộc sống của cả hai phía”.

Ai muốn gặp sơ Rita không phải dễ, không phải vì sơ là người khó tính nhưng thực ra sơ luôn bận rộn với những cuộc gọi. Sơ phải làm việc trong nhiều nhà tù cho nên sơ luôn phải di chuyển. Mỗi khi có một tù nhân nào muốn nói chuyện với sơ hoặc muốn trao cho sơ những bài viết mà họ đã hoàn thành thì sơ luôn mau lẹ đến để nhận và tổng hợp lại thành những tác phẩm tiếp theo. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng sơ luôn xác tín đây là một việc phục vụ luôn có ý nghĩa trong cuộc đời dâng hiến của sơ.

Ngọc Yến – Vatican
 10 tháng tám 2019, 14:13