Thứ Bảy, Lễ Thánh LÔRENSÔ, Phó Tế Tử đạo – 10/08/19
Bài Ðọc I: 2 Cr 9, 6-10
“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: “Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời”. Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em.Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 5-6. 7-8. 9
Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay.(c. 5a).
Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Ðáp.
2) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. – Ðáp.
3) Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi. – Ðáp.
4) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi; sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. – Ðáp.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 12, 24-26
“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
SUY NIỆM
HẠT GIỐNG ÂM THẦM
Một người mẹ trẻ đã từ chối dùng thuốc điều trị ung thư để cứu đứa con trong bụng. Hơn hai tuần sau khi con chào đời cũng là ngày chị ra đi vĩnh viễn. Chị đã hy sinh cuộc sống mình cho sự sống của đứa con.
Hôm nay, Đức Giêsu nói với các môn đệ về ngày ra đi của Người qua hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi. Đối với Đức Giêsu, cái chết của Người không phải là dấu chấm hết, là sự kết thúc, nhưng là lúc Người đi vào vinh quang, là thời sự sống chiến thắng tử thần, và chương trình cứu độ của Chúa Cha nên trọn vẹn.
Noi gương Thầy Giêsu, thánh Laurensô đã dùng mạng sống của mình để làm chứng cho đức tin. Sự hy sinh của thánh nhân đã trở nên nguồn an ủi và hy vọng cho các tín hữu, như lời giáo phụ Tertullianô nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh Kitô hữu.”
Lạy Chúa, xin giúp con biết kết hợp những hy sinh trong đời thường của mình với cuộc khổ nạn của Chúa. Amen.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
Thánh Lôrenxô
Vị thánh tử đạo rất nổi danh của thành Rôma, thánh Lôrenxô, sống vào thế kỷ thứ 3. Ngài là một trong số bảy thầy phó tế được trao cho việc giúp đỡ những người nghèo khổ và những người túng thiếu. Khi cuộc bách hại nổ ra, thánh giáo hoàng Sixtô II bị lên án tử. Đang lúc thánh giáo hoàng bị dẫn tới nơi hành quyết, Lôrenxô đã theo sau ngài và khóc nức nở:
“Cha ơi, sao cha đi mà không cho phó tế của cha đi theo?”
“Cha không bỏ con lại đâu,” thánh giáo hoàng trả lời, “trong ba ngày nữa con sẽ được theo bước của cha.”
Tràn ngập vui mừng, Lôrenxô đem phân phát cho người nghèo tất cả tiền bạc ngài có trong tay.
Thậm chí, Lôrenxô còn đem bán một ít tài sản của Giáo hội để có thêm nhiều tiền bố thí.
Vị hoàng đế Rôma thời ấy là người rất tham lam đã nghĩ rằng Giáo hội có một kho tàng rất lớn đang được cất giấu. Và ông ra lệnh cho Lôrenxô phải mang kho tàng này đến cho ông ta. Thánh Lôrenxô đã nhận lời. Ngài hẹn ba ngày nữa sẽ đem tới.
Sau đó, Lôrenxô đi khắp thành phố và thu gom tất cả những người nghèo khổ và bệnh hoạn, những người này đang được Giáo hội chăm sóc và nuôi dưỡng. Lôrenxô chỉ cho hoàng đế Rôma xem những người ấy và nói với ông: “Đây là tài sản của Giáo hội!” Hoàng đế tức giận. Ông đã trừng phạt Lôrenxô bằng cái chết từ từ và hết sức độc ác. Ông ra lệnh trói Lôrenxô lại và đặt ngài trên một vỉ sắt, đoạn đốt lửa bên dưới để nướng chín Lôrenxô.
Thiên Chúa đã ban cho thánh Lôrenxô nhiều sức mạnh và niềm vui để thánh nhân nói với người hành quyết ngài:
“Hãy lật tôi sang bên kia với! Thịt ở phía mặt bên này đã chín rồi!” Trước khi tắt thở, thánh Lôrenxô đã cầu nguyện cho dân thành Rôma được ơn trở lại với Chúa Giêsu. Ngài cầu xin để đức tin Công giáo được lan truyền ra khắp thế giới. Thánh Lôrenxô về trời ngày mùng 10 tháng Tám năm 258.
Việc sùng kính thánh Lôrenxô lan rộng ra khắp nước Ý và sang cả Bắc phi. Hoàng đế Constantinô đã xây một vương cung thánh đường nguy nga để tôn kính Lôrenxô. Trong lễ nghi, thánh Lôrenxô là một trong các vị được Giáo hội nêu danh nơi Kinh Nguyện Thánh Thể Thứ Nhất.
Khi chúng ta muốn phàn nàn về điều gì đó làm phiền lòng mình, chúng ta hãy cầu xin thánh Lôrenxô giúp cho kiên nhẫn. Các thánh tử đạo đã được ơn trung thành với Chúa Kitô trong những nghịch cảnh vì các ngài đã trung thành với Người trong những điều nhỏ mọn thường ngày mà tất cả chúng ta đều đã có lần đối diện.
Đời sống chứng tá của cha Csaba Bojte trong việc chăm sóc trẻ bị bỏ rơi ở Transilvania
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1992 khi cha Csaba được gửi đến thị trấn Déva, Transilvania, một vùng ngoại ô theo nhiều nghĩa: nơi sinh sống của đa số người theo Chính thống giáo Rumani và 8% thiểu số Công giáo Hungary, một trung tâm công nghiệp vào thời điểm khủng hoảng, với những hậu quả xã hội nặng nề. Ở đó, cha bắt đầu chăm sóc những trẻ bị bỏ rơi và dần dần trở thành một trung tâm đón tiếp và chăm sóc trẻ mồ côi.
Sau khi thay đổi chế độ, tình hình xã hội ở Rumani rất nguy kịch, nghèo đói và khó khăn ảnh hưởng đến các gia đình và chính vì đó cũng là nguyên nhân làm cho các gia đình gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Cha Csaba đã thành lập Tổ chức Thánh Phanxicô ở Déva đón tiếp trẻ em. Các cơ sở tiếp nhận và giáo dục của Tổ chức hiện diện tại 82 địa điểm ở Transilvania, với hơn 2.300 trẻ em được 300 cộng tác viên chăm sóc.
Ơn gọi “một linh mục đồng quê giản dị”
Cha Csaba nhớ lại: tất cả bắt đầu vào một ngày mùa hè, cha mở Kinh Thánh cầu nguyện và một cách ngẫu nhiên đọc đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Maria và Thánh Giuse dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Trẻ Giêsu. Từ ngày đó vị tu sĩ hiểu sứ vụ thực sự mà Chúa trao phó cho mình, “một linh mục đồng quê giản dị”. Cha hiểu rằng niềm vui khi làm những việc tốt là một món quà cho chính mình.
Trước tiên cha tổ chức một trại hè nhưng ngay sau đó cha thấy cần phải tổ chức một cái gì đó kéo dài cả năm … Ban đầu, cha không được chính quyền cho phép và trong một thời gian dài cha phải đấu tranh với bộ máy hành chánh quan liêu Rumani. Hoạt động bác ái của cha chỉ được công nhận chính thức vào dịp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Rumani năm 1999.
Cha Csaba nói trong một cuộc phỏng vấn: “Lúc đó tôi không mơ chúng tôi sẽ trở nên đông đảo như vậy, nhưng ngày qua ngày, trẻ em đến gõ cửa … và nếu ai đó nhờ bạn giúp đỡ, như một người phục vụ của Chúa, bạn phải cứu họ. Thế giới này không phức tạp. Nếu bạn nói một lời tốt đẹp với người khác, điều đó sẽ sinh hoa trái. Tôi luôn luôn nói, vùng đất khô cằn nếu được trồng và gieo, nó có thể trở thành một khu vườn. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là gánh vác mọi vấn đề của cả thế giới, thậm chí chúng ta sẽ không làm được. Điều quan trọng là niềm vui của Hài nhi Giêsu hướng dẫn chúng ta”.
Quá khứ đau thương là động lực tiến bước
Cha Csaba sinh năm 1959, mồ côi cha từ khi còn nhỏ, nạn nhân của chế độ cộng sản. Trải nghiệm đau thương này không làm cho chàng thanh niên Csaba than vãn nhưng đó là một cách để anh cố gắng làm một điều gì đó thay đổi ký ức buồn này. Chính suy nghĩ tích cực đó là khởi nguồn của ơn gọi trở thành tu sĩ dòng Thánh Phanxicô và sau đó là “cha” của biết bao trẻ thơ theo như “Thánh Giuse đã làm”. Vì dấn thân cho trẻ em nghèo, cha đã nhận được một số giải thưởng, như “Giải thưởng Công dân châu Âu” của Nghị viện châu Âu vào năm 2011.
Trong nhiều năm hoạt động, đối với cha mỗi ngày là hồng ân, cha nói: “Tình yêu giống như một bóng đèn, mọi thứ được tỏ rõ trong ánh sáng của đèn. Đối với tôi, Tổ chức này đồng nghĩa với sự quan phòng và phép lạ của Chúa. Thật vậy, để có thể nuôi sống hàng trăm người mỗi ngày thật không phải dễ, chỉ có Chúa làm được. Vì thế mặc cho những khó khăn, công việc của chúng tôi vẫn phát triển và tiếp tục tiến lên”.
Cha Csaba là linh hồn của Tổ chức, được chia ra ở các ngôi nhà khác nhau và được quản lý để ở cùng với con cái của cha. Nhưng cha cũng thường đi khắp nơi để thu nhận của “bố thí”, nghĩa là quỹ hỗ trợ trẻ em. Vị tu sĩ cũng là một nhà giảng thuyết được đánh giá cao ở Hungary và Transilvania vì sự đơn sơ và thẳng thắn mỗi khi truyền đạt một linh đạo sâu sắc.
Chúa không tạo ra đồ bỏ đi
Qua nhiều năm sống phục vụ cha Csaba đã rút ra được bài học: Đầu tiên là “Chúa không tạo ra đồ bỏ đi (…) ngay cả đứa trẻ đường phố không sạch sẽ và vô giáo dục cũng là một kiệt tác của Cha Trên Trời và nhiệm vụ của chúng ta, cha mẹ và các nhà giáo dục là giúp chúng hình thành và phát triển. Bài học thứ hai là chắc chắn Chúa không trao cho chúng ta những thử thách quá sức chúng ta. Ngay cả trong cuộc sống của tôi cũng có những thời điểm khó khăn, cũng như trong cuộc sống của những đứa trẻ này, nhưng tôi đã trải nghiệm: nó luôn có một giải pháp. Cuối cùng, bài học thứ ba: Làm việc với niềm vui sẽ giúp chúng ta làm tốt mọi sự hơn”.
Cha chia sẻ: “Chúng ta cần phải vui tươi hơn. Thực vậy tôi quan sát và thấy cuộc sống hiện nay của chúng ta thiếu niềm vui trẻ thơ. Chúng ta không chơi đùa, chúng ta không kể cho nhau nghe những câu chuyện cười. Hai ngàn năm trước Chúa Giêsu Kitô của chúng ta bắt đầu cuộc sống trần gian của Ngài bằng việc chơi với những đứa trẻ Nazareth. Trước khi làm phép lạ hoặc loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu chơi đùa với trẻ em. Và sau đó Ngài nói nếu chúng ta không trở nên như những trẻ thơ, chúng ta sẽ không vào Nước Trời. Chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu để chúng ta luôn cảm nhận được hồng ân của cuộc sống qua niềm vui trong khi phục vụ”
Ngọc Yến – Vatican