Máu Thánh chảy trên khăn thánh
Blanot là một làng ẩn núp tại trung tâm đất Pháp, thuộc tỉnh Côte D’Or (Bờ Biển Vàng). Blanot vào năm 1331, không có tên trong bản đồ Nước Pháp. Dù vậy, nó cũng khá quan trọng để Chúa chọn nơi vô danh này tỏ mình Ngài ra và biến Blanot thành nơi danh tiếng.
Ánh sáng mặt trời tỏa chiếu trên Blanot vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh năm 1331 chưa đủ để sưởi ấm nông thôn. Mùa đông đã tiêu hao hết nhiên liệu mà mùa xuân vẫn còn lừng khừng chưa muốn khoe sắc. Giáo dân trong cộng đoàn đã không quản ngại sự lạnh lẽo đến tham dự Thánh Lễ đầu tiên Mừng Chúa Phục Sinh, đây quả là một hành động hy sinh hiếm có. Họ bị đánh thức khỏi sự ngái ngủ ban mai do những cơn gió mãnh liệt. Mặc dầu những bức tường nhà thờ che khuất được luồng gió, nhưng vẫn không cung cấp đủ sức ấm chống với cơn lạnh. Nhà thờ cũng trống trơn chẳng có gì có thể giảm bớt giá buốt. Những người thờ phượng Chúa giờ ban mai này thật là những Kitô hữu đích danh. Không gì có thể ngăn cản họ ca tụng Thiên Chúa và tán tạ ơn Ngài, vì Ngài đã ban cho họ Ơn Cứu Chuộc.
Sáu giờ sáng, Cha Hugo de Baulmes, linh mục chánh xứ đang cử hành Thánh Lễ. Cử chỉ của ngài phản chiếu thái độ ngái ngủ lạnh lẽo của giáo dân. Ngài cũng cảm thấy lành lạnh, đôi khi ngam ngáp vì thiếu ngủ, nhưng ngài rất vui vẻ và hãnh diện được cử hành Thánh Lễ đầu tiên của Mùa Phục Sinh. Thật ra, dâng Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh là một vinh dự lớn lao, mặc dầu phải hy sinh không ít. Bởi thế mà giáo dân đã khen ngợi cha xứ hết mình. Ngài hướng dẫn cộng đoàn qua những bài thánh ca tán tụng Chúa, hát lên lời ca “Alleluia” nhiều lần.
Điểm nổi bật trong ngày đại lễ Mừng Chúa Phục Sinh, cũng như trong các Thánh Lễ, là việc lãnh nhận Mình Chúa Kytô. Khi linh mục truyền phép bánh và rượu, ngài nhớ lại hai ngày vừa qua (Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh), khi Giáo Hội, coi như đã chết vì không còn một sinh hoạt nào. Ngài quan niệm Mùa Chay rất nghiêm ngặt. Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá, Giáo Hội đã đi vào một trạng thái tối tăm, và Giáo Hội không ra khỏi trạng thái ấy cho tới bây giờ, là sáng sớm của ngày thứ ba, ngày Chúa Phục Sinh.
Khi Hiệp Lễ, giáo dân quì nơi bao lơn để đón nhận Chúa Giêsu trong Bánh Thánh Thể. Cha Hugo đang cho rước Thánh Thể, thì một trong những người chịu lễ là bà góa d’Effours, chưa rước hẳn Mình Thánh vào trong miệng, bà đã ngậm chặt lại, để tránh cho Thánh Thể không bị rơi xuống đất. Thế mà, một mảnh nhỏ của Bánh Thánh bị bể ra, và rơi xuống. Chú giúp lễ tên là Thomas Caillot đã hứng được mảnh Bánh Thánh đó trên tấm khăn chén. Đây là một mảnh vải gai, vuông khoảng 5 inches, gấp lại hai ba lần, được hồ cứng, thông thường dùng để đậy chén thánh. Tấm khăn chén cũng được dùng để hứng dưới cằm những người chịu lễ, đề phòng khi Bánh Thánh bị rơi.
Cha Hugo không hề hay biết sự việc đã xảy ra. Ngài tiếp tục cho chịu lễ. Khi ngài sắp bỏ Bình Thánh vào Nhà Tạm, bấy giờ Thomas mới nhớ tới mảnh bánh thánh đã rơi trên tấm khăn chén. Thomas kêu lên: “Cha, Cha, qua đây coi. Đây, trên tấm khăn chén, một mảnh Mình Thánh Chúa đã rơi xuống từ miệng của bà…”
Vị linh mục tiến mau tới chỗ chú giúp lễ đang cầm tấm khăn chén. Ý của ngài là sẽ đốt cháy mảnh Bánh. Nhưng khi ngài cầm lấy tấm khăn chén thì mảnh Bánh biến đi, và thay vào đó, một giọt máu xuất hiện. Tuy nhiên giọt máu không thấm qua tấm khăn chén như thông thường mọi vết máu. Giọt máu nằm trên tấm khăn chén với ba chiều kích, như một cục máu nhỏ.
Cha Hugo đem tấm khăn chén dính máu vào Phòng thánh và giặt tấm khăn bằng nước ấm. Ngài vo đi vo lại nhiều lần (ít nhất là năm sáu lần). Vết máu lan rộng nhưng không phai mầu, mặc dầu nước chảy từ tầm khăn xuống chậu rửa là máu đỏ. Sau cùng, khi biết chắc là giọt Máu không thể tẩy khỏi chiếc khăn, vị linh mục cắt phần khăn có mang vết máu và trở lại nhà thờ cùng với mảnh khăn ấy.
Hết mọi phần tử trong cộng đoàn đã chứng kiến sự lạ. Họ không muốn ra về trong khi Phép Lạ đang xảy ra. Cha Hugo đưa mảnh vải có vết máu từ Phòng Thánh ra với lòng tôn kính. Ngài xin họ đem cho ngài một Mặt nhật và long trọng đặt Chiếc Khăn thần diệu vào Mặt nhật. Ngài đã công bố cho mọi người rằng: “Hỡi những người tốt lành thánh thiện, anh chị em có thể tin rằng đây chính là Máu của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta? Tuy nhiên tôi đã vò nát nhiều lần, nhưng vẫn không có cách nào tách rời máu ra khỏi Chiếc Khăn.”
Vị linh mục rơi lệ vì vui mừng trong cơn bối rối, và rồi tạ ơn Thiên Chúa. Có thể suốt một đời linh mục, ngài chỉ biết hoạt động trong những giáo xứ nhỏ rải rác nơi vùng quê. Ngài chưa một lần bén bảng tới những nơi phồn thịnh cũng như trụ sở của Giáo Phận. Chắc ngài cũng chưa bao giờ được những lời khuyến khích trong sứ mạng truyền giáo. Có thể ngài cũng cảm thấy bị bỏ rơi do chính Đức Giám Mục, hay các linh mục bạn. Nhưng bây giờ, ngài được Thiên Chúa, Thầy Chí Thánh của ngài, ban cho một món quà phép lạ Thánh Thể. Phải chăng đây chính là lúc Chúa Giêsu nói với ngài: “Hỡi con, con đã làm việc phước đức. Cha rất hài lòng về cách con phụng sự Cha qua các linh hồn trong những năm qua”?
Tin về phép lạ được lan tràn qua những miền lân cận một cách nhanh chóng. Đức Giám Mục Địa phận Autun, Địa phận gần Blanot nhất, phái một đại diện tới Blanot vào Chúa Nhật sau ngày thứ 15 Phục Sinh. Người đại diện đem theo một đoàn linh mục và công chứng viên để giúp ngài quyết định sự chính xác của phép lạ được đồn thổi. Cha Hugo đã đưa những người chứng kiến Phép Lạ Thánh Thể ra trước mặt ủy ban điều tra. Họ tả lại những biến cố của sáng ngày Lễ Phục Sinh, khi Bánh Thánh đã biến thành Máu. Kết thúc việc thẩm vấn, ủy ban do Đức Giám Mục phái đến đã nhất trí đồng ý rằng: Thiên Chúa đã viếng thăm dân làng Blanot cách đặc biệt, qua Phép Lạ Thánh Thể.
Năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan 22 ban đặc ân cho những ai làm Lễ trong Nhà Thờ Blanot. Ngài cũng ban thưởng đặc ân cho những ai ủng hộ những lễ phục vì lòng tôn kính phép lạ và những ai đi kiệu Thánh Thể. Rất nhiều người hành hương tuôn đến Blanot. Tấm khăn chén thấm Máu Thánh được đặt trong một hộp đựng thánh tích bằng thủy tinh. Blanot đã trở thành trung tâm của những giáo đoàn hành hương.
Chiếc khăn thần diệu được nghiên cứu một lần nữa vào thế kỷ 18 do Đức Giám Mục Địa phận Autun. Ngài xác nhận rằng chiếc khăn vẫn còn được duy trì một cách an toàn, mầu của Máu vẫn còn đỏ tươi, và những đường chỉ của vải đã không tiêu tan qua quãng thời gian hơn 400 năm từ khi phép lạ xảy ra.
Trước cuộc Đảo Chính Pháp, những chuyến hành hương và những cuộc rước bị ngăn cản do các linh mục xứ. Tại Pháp, mối tương giao giữa dân chúng và Giáo Hội đang trong tình trạng nguy hiểm. Các linh mục kêu trách rằng những người hành hương đã nên cớ cho rượu chè và trụy lạc, gây nên phạm thượng hơn là tôn kính những kỷ niệm phép lạ. Mối bất bình đã lên tới tột điểm trong thời gian Đảo Chính. Những nông dân đã xâm chiếm nhà thờ Blanot và đã phá tan tành. Có người còn muốn phá hủy hòm di tích chứa tấm vải thần diệu, nhưng những người địa phương đã ngăn cản. Một số người cùng với một nữ tu đã giấu Phép Lạ Thánh Thể trong một nhà riêng. Phép Lạ Thánh Thể được tôn kính tại đây vào những ngày Chúa Nhật và những ngày Lễ Kính, cho tới khi sự đe doạ do Đảo Chính chấm dứt. Sau đó di tích được trả lại cho Giáo Hội.
Vào năm 1831, ngày kỷ niệm 500 năm phép lạ, những nghi lễ long trọng được cử hành tại Nhà Thờ Blanot, nơi tôn kính vĩnh viễn Tấm Khăn chén Thấm Máu Thánh đã được cung hiến. Thánh tích luôn được trưng bày tại đó quanh năm. Ngày nay, hơn 650 năm sau biến cố phép lạ, tấm vải vẫn còn trong tình trạng tốt. Vết máu vẫn còn trông thấy. Vào Lễ Mình Thánh Chúa, chiếc khăn thần diệu được mang theo sau Kiệu Thánh Thể trong cuộc rước.
Trích dịch cuốn This Is My Body and This Is My Blood của Bob & Penny Lord.