Thứ Bảy, Lễ Hai Thánh TIMÔTHÊU và TITÔ, Gm – 26/01/19
Bài Ðọc I: 2 Tm 1, 1-8
“Nhớ lại đức tin trung thành của con”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, theo lời hứa ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Cha cảm tạ ơn Chúa, Ðấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn trong trắng, khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước mắt con đã chảy ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc nhở con điều này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người; nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa. Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Tt 1, 1-5
“Gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Phaolô, đầy tớ của Thiên Chúa, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, theo đức tin của những người được Chúa chọn, và sự hiểu biết chân lý theo lòng đạo đức, trong hy vọng được sống đời đời mà Thiên Chúa là Ðấng không lừa dối, đã hứa từ muôn đời; và khi đến giờ đã định, Người bày tỏ lời Người qua việc rao giảng mà Người đã giao phó cho cha theo lệnh của Thiên Chúa Ðấng Cứu độ chúng ta: gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin. Nguyện chúc cho con được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu độ chúng ta. Ðây là lý do cha để con ở lại Crêta, là để con tổ chức cho xong xuôi tất cả, và thiết lập hàng niên trưởng trong mỗi thành phố, như cha đã truyền dạy cho con.Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân. (c. 3).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người. Ð.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. Đ.
3) Hãy kính tặng Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. – Ðáp.
4) Người giữ vững địa cầu cho khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. – Ðáp.
Alleluia: Mt 23, 9a. 10b
Alleluia, alleluia! – “Các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi chỉ có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 20-21
“Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”.
†
Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục, Lễ nhớ.
* Cùng với thánh Luca, thánh Timôthê và thánh Titô là những cộng tác viên trung thành của thánh Phaolô. Mẹ thánh Timôthê là người Do thái, còn chính ông thì đã được thánh Phaolô thanh tẩy. Ông đã theo thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo, rồi sau được đặt làm thủ lãnh giáo đoàn Êphêxô.
Còn thánh Titô đã được thánh Phaolô nhận ở Antiôkhia ngay từ đầu sứ vụ tông đồ. Sau đó, ông được trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê và thư gửi cho ông Titô được gọi là các thư mục vụ, vì trong đó có nhiều lời khuyên dành cho cả những người lãnh đạo cũng như cho hết mọi thành phần trong giáo đoàn.
SUY NIỆM 1: Diễn Văn Truyền Giáo
Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và suy niệm những câu đầu tiên của chương 10 Phúc Âm theo thánh Luca. Ðây là bài diễn văn truyền giáo số 2. Bài diễn văn truyền giáo số 1 là chương 9, Phúc Âm thánh Luca. Trong bài diễn văn truyền giáo số 2, Chúa Giêsu ngỏ lời căn dặn bảy mươi hai môn đệ mà Ngài sai đi từng nhóm hai người một để làm như một cộng đoàn làm việc chung với nhau, chứ không phải một cách riêng rẽ. Con số mười hai tông đồ nhắc đến mười hai chi họ Israel; con số bảy mươi hai môn đệ nhắc đến chi tiết nơi chương 10 sách Sáng Thế: “Khi tất cả các dân nước trên mặt đất”.
Như thế, chúng ta có thể nói rằng bài diễn văn truyền giáo số 2 của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm thánh Luca mà hôm nay chúng ta suy niệm là những lời căn dặn của Chúa Giêsu cho tất cả mọi thành phần Giáo Hội Dân Chúa đến từ khắp mọi nơi không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói. Tất cả mọi người đồ đệ của Chúa đều phải là những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Chúa và phải tuân giữ những gì Chúa căn dặn nơi chương 10 này.
Những lời dặn dò trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với những chi tiết hết sức thực tế. Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những việc làm trên là điều quan trọng hơn. Thời đại đã thay đổi, thời chúng ta đang sống khác với thời của Chúa Giêsu. Những hành động cụ thể của một thời đã thay đổi, chẳng hạn như ngày xưa đi bộ, cầm gậy thì ngày nay đã có các phương tiện giao thông liên lạc khác, nhưng tinh thần của những hành động cụ thể mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ có không bao giờ thay đổi. Trong những giây phút ngắn ngủi suy niệm này chúng ta không thể nào suy niệm tất cả mọi khía cạnh của tinh thần truyền giáo nơi môn đệ của Chúa.
Ước chi mỗi người chúng ta tìm thì giờ rảnh rỗi trong ngày, trong tuần để trở lại suy niệm thêm về những lời căn dặn của Chúa nơi chương 10 Phúc Âm thánh Luca.
Chúng ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn Phúc Âm hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người, các con hãy ra đi”. Qua câu đầu tiên này của đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi hoạt động truyền giáo: trước hết là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung quanh, thứ hai là đưa nhu cầu đó vào trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ ba là sẵn sàng để được sai và hăng say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng. Chúng ta hãy tự vấn xem chính mình đã có những tư tưởng căn bản này chưa? Những quan tâm truyền giáo làm chứng cho Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu nguyện của chính mình chưa? Trong cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?
Lạy Chúa,
Này con đây đã sẵn sàng, Chúa muốn con làm gì xin hãy phán và con xin lắng nghe. Xin ban ơn biến đổi mỗi người chúng con trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa trong mọi hoàn cảnh.
†
ĐTC cử hành nghi thức thống hối cho các tù nhân trẻ
Lúc quá 9 giờ rưỡi sáng thứ sáu 25-1, ĐTC Phanxicô đi xe tới thành phố Pacora, có 52 ngàn dân cứ, cách thủ đô Panama hơn 42 cây số về hướng đông.
Đến Trung tâm cải huấn Las Garzas de Pacora lúc gần 10 giờ rưỡi, ĐTC đã được Đức Cha José Domingo Ulloa, TGM Panama sở tại cùng với bà giám đốc trung tâm đón tiếp. Hiện diện trong dịp này có 80 tù nhân của nhà tù Pacova và nhiều thiếu niên từ các nhà tù khác, tổng cộng là 150 người. Điều đáng nói là đa số các tù nhân là người Tin Lành chứ không phải là Công giáo, theo bà Emma Alba Tejada, giám đốc toàn quốc các nhà tù thiếu niên ở Panama.
Nhà tù thiếu niên Las Garzas de Pacora
Nhà tù thiếu niên Las Garzas de Pacora mới được khánh thành cách đây 7 năm (2012) và có thể đón nhận tối đa 192 tù nhân, nhưng hiện thời tại đây có 143 tù nhân, tuổi từ 14 đến 25. Sở dĩ có một vài tù nhân đã trưởng thành và bị giam ở đây là vì họ bị kết án vì những tội nặng, với bản án lên tới 12 năm tù. Nhà tù Pacora hiện nay được coi là nhà tù kiểu mẫu không những tại Panama nhưng cả nhiều nước khác. Tại đây các thiếu niên được theo một chương trình tái xã hội hóa toàn diện, với các khía cạnh giáo dục, gia đình và y tế. Các tù nhân thiếu niên cũng phải tham dự những cuộc hội luận do Viện quốc tế và huấn nghệ và phát triển con người (Inadeh) đảm trách. Một toán trợ tá xã hội, tâm lý, và giáo dân cộng tác vào hệ thống phục hồi tại đây, được tổ chức Unicef của LHQ và cả Liên hiệp Âu Châu tài trợ.
ĐGH đến đây không phải để nói với các người Công Giáo mà thôi
Bà giám đốc Emma nói với các ký giả rằng: ”Các tù nhân trẻ ở đây không tin ĐGH cũng chẳng tin nơi Đức Mẹ, và chỉ có một số nhỏ muốn tham dự cuộc đón tiếp và phụng vụ thống hối. Vì thế chúng tôi đã giải thích cho các em rằng ĐGH đến đây không phải để nói với các người Công Giáo mà thôi, nhưng để trình bày một sứ điệp yêu thương, an bình và hy vọng mà các em đang cần. Chúng tôi cũng giải thích thế nào là Ngày Quốc Tế giới trẻ và ĐGH là một mục tử. Thật là cam go khi thuyết phục các em tù nhân, nhưng sau cùng, chúng tôi đã thấy có sự thay đổi”.
Các quà tặng tù nhân tặng ĐTC
Bà Emma cũng cho biết các tù nhân trẻ ở Pacora đến từ những vùng nghèo nhất ở Panama, thường là gốc thổ dân, ít được học hành và các em vào tù vì đã phạm những tội ác, kể cả những tội nặng như hiếp dâm và giết người. Trong tù các em cũng được học những nghề như nghề mộc, dệt thảm, làm bếp. Chính các em đã làm bánh, làm một gậy mục tử và một bức tranh để tặng ĐGH. Đặc biệt có 30 tù nhân đã cộng tác với nhau để làm những tòa giải tội được xếp tại nơi gặp gỡ và sẽ được đưa tới Công viên Giới trẻ, nơi các bạn trẻ Panama và quốc tế lãnh nhận bí tích hòa giải.
Phụng vụ thống hối
Đầu buổi phụng vụ thống hối, có chứng từ của một tù nhân 21 tuổi, anh Oscar Martinez. Khi lên 1 tuổi thì mẹ anh bị cha bỏ, khiến bà phải vật lộn một mình để nuôi 3 người con. Cuộc đời anh cảm thấy trống rỗng và năm 2015, Martinez được Chúa đánh động và trở lại. Nhưng rồi sau đó, anh phạm tội ác và vào tù. Được chuyển đến nhà tù Pacora này, một đêm, Martinez ý thức rằng mọi sự chưa mất mát hết và Chúa Cha còn ở với anh, Chúa Kitô yêu thương anh. Anh cố gắng học xong trung học và hy vọng trở thành một đầu bếp quốc tế hoặc một chuyên gia về máy lạnh.
Tiếp đến mọi người nghe đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 15,1-7) trong đó Chúa Giêsu quả quyết: ”Trên trời vui mừng vì một tội nhân hoán cải”.
Quan niệm kêu gọi biến đổi và hoán cải
Trong bài giảng, ĐTC nói đến thái độ của Chúa Giêsu không sợ đến gần những người tội lỗi, những người bị xã hội ghét bỏ như những người thu thuế. Ngài nói:
”Trong khi có những người chỉ lẩm bẩm hoặc phẫn nộ, ngăn chặn hoặc khép kín mọi viễn tượng có khả thể thay đổi, hoán cải và liên kết với người khác, thì Chúa Giêsu xích lại gần, dấn thân, chấp nhận để cho thanh danh của ngài bị nguy cơ, và luôn mời gọi hãy nhìn tới một chân trời có thể đổi mới cuộc sống và lịch sử. Hai cái nhìn, hai quan niệm khác nhau: một quan niệm không mang lại kết quả nào, thái độ lẩm bẩm kêu trách và nói xấu, và một quan niệm kêu gọi biến đổi và hoán cải, đó là quan niệm của Chúa.
ĐTC nhận xét rằng có nhiều người không chịu đựng nổi và không thích sự chọn lựa của Chúa Kitô, thoạt đầu họ lẩm bẩm, và sau cùng họ kêu to, biểu lộ sự bất đồng và tìm cách nói xấu thái độ của Chúa và của tất cả những người ở với Chúa. Họ không chấp nhận, họ phủ nhận sự chọn lựa ở gần và cống hiến những cơ may mới. Trong cuộc sống của dân chúng, một điều dường như dễ dàng là gán cho những nhãn hiệu không những làm đông lạnh và lên án quá khứ và cả hiện tại tương lai của con người. Những nhãn hiệu như thế, xét cho cùng, chỉ tạo nên chia rẽ: nơi này là người tốt, nơi kia là người xấu, ở đây là người công chính, nơi kia là người tội lỗi.
ĐTC nhận xét rằng thái độ như thế làm ô nhiễm mọi sự vì nó dựng lên những bức tường vô hình, khiến người ta nghĩ rằng khi loại ra ngoài lề, tách biệt và cô lập, thì sẽ giải quyết thần hiệu mọi vấn đề… Thật là đau lòng khi thấy một xã hội tập trung nghị lực của mình vào việc lẩm bẩm và phẫn nộ thay vì dấn thân để kiến tạo những cơ may và sự biến đổi!
Thái độ của Tin Mừng phá vỡ sự cô lập
Ngược với thái độ trên đây là thái độ của Tin Mừng, thái độ nảy sinh từ con tim của Thiên Chúa. Chúa muốn mở tiệc vui mừng khi thấy những con cái của Ngài trở về nhà (Xc Lc 15,11-32). Chúa Giêsu đã làm chứng điều ấy khi biểu lộ đến tột cùng tình yêu thương xót của Chúa Cha. Một tình yêu không có giờ để lẩm bẩm, nhưng tìm cách phá vỡ cái vòng phê bình vô ích và dửng dưng lãnh đạm, trung lập và vô tư, chấp nhận sự phức tạp của cuộc sống và mọi hoàn cảnh… Khi ăn uống với những người biệt phái và tội lỗi, Chúa Giêsu phá vỡ chủ trương tách biệt, loại trừ, cô lập và chia rẽ giả tạo giữa người tốt và kẻ xấu.
Hãy xin và tìm kiếm sự trợ giúp để tiến bước trên con đường khắc phục
Và ĐTC nói với các tù nhân rằng: ”Các bạn, mỗi người chúng ta vượt xa những nhãn hiệu của mình. Chúa Giêsu đã dạy và mời gọi chúng ta tin như vậy. Cái nhìn của Chúa kích thích chúng ta hãy xin và tìm kiếm sự trợ giúp để tiến bước trên con đường khắc phục, vượt thắng. Nhiều khi sự lẩm bẩm dường như lướt thắng, nhưng các bạn đừng tin và nghe lời chúng. Hãy tìm kiếm và lắng nghe những tiếng nói thúc đẩy nhìn về đằng trước và đừng nghe những tiếng nói lôi các bạn xuống.
Và ĐTC kết luận rằng:
Niềm vui và hy vọng của Kitô hữu, của tất cả chúng ta, nảy sinh từ sự kiện đôi khi được cảm nghiệm cái nhìn ấy của Chúa, Đấng nói với chúng ta: “Con thuộc về gia đình Cha, và Cha không thể bỏ mặc con cho bão tố, Cha không thể bỏ mặc con trên đường, Cha ở đây với con”.
Sau bài giảng của ĐTC là phần xưng tội và giải tội cá nhân. Buổi cử hành phụng vụ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC, trước khi bà giám đốc trung tâm thay mặt mọi người cám ơn ĐTC..
Liền đó, ngài đáp trực thăng để bay về thủ đô Panama, tới tòa Sứ thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
G. Trần Đức Anh OP – Vatican