ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
Hỏi: Nhân dip mừng đầu năm mới, xin cha cho biết người Công giáo có được phép tin 12 Con Vật làm chủ vận mạng con người và vũ trụ như huyền thoại Đông phương tin tuởng không ?
Trả lời: chắc chắn là không được phép tin, vì trái với Điều răn thứ nhất dạy ta phải tin kính và thờ lậy Một Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài muôn vật như Chúa Giêsu đã trả lời cho tên qủy đến cám dỗ Chúa trong hoang địa khi xưa: “ ngươi phải bái lậy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Mt 4,10).
Đây cũng chính là mệnh lệnh củaThiên Chúa truyền cho dân Do Thái qua trung gian ông Mai- Sen : “ Nghe đây hởi Ít-ra-en ! ĐỨC CHÚA,Thiên Chúa của chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất” (Deut 6,4)
Như thế, mọi việc tin và tôn kính bất cứ một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa ra đều nghịch với Điều Răn Thứ Nhất của Bản Thập Giới (Decalogue). Cụ thể , trái với Điều Răn này là những thực hành nguy haị sau đây:
1- thuyết đa thần (polytheism)= thần tài,thần bếp, thần hỏa, thần mưa, thần gió..v,v
2- tục mê tín dị đoan (superstitions) như kiêng con số 13, tin số 9.v.v
3- thờ ngẫu tượng (idolatry) tức là tôn thờ những gì không phải là Thiên Chúa như thờ ma qủy, thờ tiền của ,khoái lạc, quyền thế, danh vọng …
4- hoặc thờ một con vật (the Beast) mà nhiều Thánh Tử Đạo đã thà chết chứ không chịu thờ lậy “Con vật” nào.
(x. Sách Giáo Lý Công Giáo ,số 2113-2114).
Cũng nghịch vớí Điều Răn thứ nhất là các tin tuởng đặt vào khoa bói toán (divination) và ma thụât (magic) như gọi hồn người chết, tra cứu tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, bói quẻ, xin sâm, đồng cốt ,phù thủy…Khi đặt tin tưởng vào những việc này, ngươì ta đã gạt bỏ Thiên Chúa là Đấng duy nhất cầm quyền sinh tử cuả con người và vạn vật trong vũ trụ này.( x. Sđd. số 2115-2117)
Ngoài ra, cũng đuợc xem là nghịch vơí Điều răn thứ nhất những ai theo thuyết vô thần (atheism) hoặc vô tôn giáo (irreligion).
Thuyết vô thần đuợc xem là nguy haị cho đức tin Công giáo hơn cả vì thuyết này xoá bỏ hay phủ nhận mọi suy tư đưa đến nhìn nhận có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người “linh ư vạn vật”cũng như toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình. Thuyết này cũng chối bỏ mọi tin tưởng đặt vào bất cứ thần linh nào ngoài con người và thế giới vật chất hữu hình này.
Sau hết ,nghịch với Điều răn thứ nhất của Chúa còn phải kể đến tôi gọi là “vô tôn giáo (irreligion) thể hiện qua ba hình thức sau đây :
a- Thử thách Chúa bằng lời nói hay hành động. Đây là tội của tên qủy đã thách Chúa Giêsu trong hoang địa hãy “giao mình xuống đất” từ trên nóc Đền Thờ. (x Lc 4,9)
b- Phạm thánh (sacrilege): xúc phạm đến Thánh Thể, như quăng Mình Thánh xuống đất, đổ Máu Thánh còn dư sau Rước Lễ vào bồn rửa tay,nhất là đem Thánh Thể về nhà cho ai dùng để làm việc phù phép nào đó. Cũng được kể là phạm thánh khi có thái độ hoặc hành vi khinh thường các bí tích và á bí tích (Ảnh Tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, tràng hạt,sách kinh…) và có hành vi ô uế nơi thờ phượng như Nhà Thờ ,Nhà Nguyện.
c- Tội maị thánh (còn gọi là buôn thần bán thánh=simonia); như đòi tiền để ban một bí tích, để dâng Lễ hay cầu nguyện cho ai… Đòi tiền ở đây khác với bổng Lễ (mass stipend) mà Giáo luật cho phép thu theo mức mà Giáo Quyền địa phương ấn định. Thí dụ ở các Giáo Xứ Mỹ, bổng lễ là 5 đôla cho mỗi ý Lễ. Linh mục không được phép đòi bổng Lễ cao hơn mức qui định và không được gây cho giáo dân lầm tưởng rằng dâng nhiều tiền thì được lợi ích thiêng liêng nhiều hơn là ít tiền hay không có bổng lễ. Nếu linh mục nào làm với ý này hoặc giáo dân nào muốn dùng tiền của để mua ơn thánh Chúa thì đều mắc tội maị thánh. (x. Sđd. Số 2111-2123)
Đó là tóm luợc những tội nghịch với nhân đức thờ phượng dựa trên Điều răn Thứ Nhất trong Mười Điều Răn của Chúa mà quí tín hữu cần biết để tránh.
Tội phạm điều răn Thứ Hai của Chúa
Là người tín hữu Công giáo, ai cũng thuộc lòng điều răn thứ hai: cấm kêu tên Chúa vô cớ. Tại sao như vậy ?
Câu trả lời là chính Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái qua miệng ông Môsê mệnh lệnh sau đây:
“Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người cách bất xứng” (Xh 20: 7; Đnl 5: 11)
Nhưng thế nào là dùng Danh Chúa cách bất xứng ?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại sự kiện Thiên Chúa tỏ mình cho ông Môsê từ bụi cây bốc cháy và truyền cho ông sứ mạng dẫn đưa dân Do Thái từ Ai Cập trở về quê hương sau bao năm sống nô lệ và thống khổ trên đất Ai Cập. Ông Môsê, trước hết, đã ngần ngại, không dám nhận làm việc đó, nên đã hỏi tên Chúa để có cớ nói với dân, và Chúa đã trả lời ông như sau:
“Ta là Đấng Tự Hữu. Ngươi hãy nói với con cái Ỉsrael thế này: “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ap-ra ham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em. Đó là Danh Ta cho đến muôn thủa. Đó là Danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời này đến đời kia.” (Xh 3 : 14-15)
Như thế, Danh của Thiên Chúa là Đức Chúa, Đấng Tự hữu đã mặc khải cho ông Môsê để nói lại cho dân Do Thái trước tiên và cho hết mọi người , mọi dân trên trần thế này được biết để tôn thờ, tôn kính đến muôn đời.
Tác giả Thánh Vịnh 29 và 113 đã ca tụng Danh Thánh Chúa như sau :
“ Hãy dâng Chúa vinh quang xứng Danh Người
Và thờ lậy Chúa uy nghiêm thánh thiện.” (Tv 29: 2)
Hoặc :
“Halêluia ! Hởi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi.
Nào ca ngợi Danh thánh Chúa đi.
Chúc tụng Danh thánh Chúa.
Tự bậy giờ cho đến mãi muôn đời.” (Tv 113: 1-2)
Do đó, tôn kinh Thánh Danh Chúa cũng thuộc về nhân đức thờ phượng Chúa trên hết mọi sự như nội dung điều răn Thứ Nhất dạy ta.
Giáo lý của Giáo Hội dạy như sau về việc kính Thánh danh Chúa:
“ Trong số các lời của Mặc Khải, có một lời rất đặc biệt : đó là lời Mặc khải Danh Thánh của Thiên Chúa, qua đó, Thiên Chúa cho con người biết Danh của Ngài. Nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải mình cho những ai tin Người trong mầu nhiệm riêng tư về Người. Danh Thánh của Thiên Chúa là một quà tặng tin cẩn và mật thiết. Danh của Người là thánh, vì thế con người không được lạm dụng Thánh Danh của Thiên Chúa, mà phải yêu mến tôn thờ trong tâm hồn, và chỉ nhắc đến Danh Thánh Chúa để cảm tạ, ngợi khen và tôn vinh Thánh Danh đó mà thôi.” (SGLGHCG số 2143)
Cũng cần nói thêm nữa là Thánh Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều phải được tôn thờ tôn kính như nhau, vì cùng là Một Thiên Chúa duy nhất mặc dù với Ba Ngôi Vị. Thêm vào đó, cũng phải kinh danh thánh của Đức Mẹ và các thánh Nam nữ , vì các ngài là vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng, thánh hóa và nâng đỡ để các ngài được bước lên bậc hiển thánh trên Nước Trời để cùng với các đạo binh Thiên Quốc ,ngày đêm chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa đến muôn đời.
Do đó, những hành động hay việc làm sau đây được coi là xúc phạm đến Thánh Danh Chúa :
1- Trước hết là phải có can đảm xưng danh Chúa trước mặt người đời và nhất là trước những kẻ muốn bách hại đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Chúa Kitô, Đấng đã đến trong trần gian làm Con Người để “cứu chuộc muôn người”. Nghĩa là nếu không dám xưng mình là người tin có Thiên Chúa thì cũng được coi là chối Chúa và xúc phạm đến Danh Thánh của Người trước mặt người khác. Khi được rửa tội, chúng ta được rửa “nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28: 19) Do đó, người tín hữu Chúa Kitô chân chính mang danh Chúa Ba Ngôi, không thể nói ba phải là “Lậy Chúa, lậy Phật, lậy Đấng Mohammed”… để muốn làm vui lòng người khác tín ngưỡng với mình. Ta tôn trọng niềm tin của họ, nhưng phải có can đảm và hãnh diện tuyên xưng Thiên Chúa là Cha duy nhất của mình trong mọi hoàn cảnh.
2- Nếu nhân danh Chúa để thề hứa với ai điều gì thì phải tôn trọng và thi hành lời hứa đó vì đã lấy Danh Chúa mà hứa với họ. Nếu không tôn trọng lời hứa vì Danh Chúa thì đã coi Chúa là Người nói dối như Thánh Gioan đã dạy như sau:
“Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội thì chúng ta coi Người (Thiên Chúa) là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta.” (1 Ga 1 :10)
3- Nói phạm thánh (blasphemy) là trực tiếp phạm điều răn thứ hai. Tội phạm thánh bao gồm những tư tưởng và lời nói xúc phạm đến Danh Thánh Chúa như những lời giận dữ, oán trách Chúa – hoặc ghê gớm hơn nữa – là nguyền rủa Thiên Chúa chỉ vì một bất mãn, hay tai họa chẳng may gặp phải, khiến mất niềm tin và kính trọng đối với Chúa, như thánh Giacôbê Tông Đồ đã nói như sau: “Chẳng phải họ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp mà anh em được mang đó sao?” (Gc 2: 7)
Đó là những kẻ mang danh Chúa, tự nhận mình là người có Đạo của Chúa Kitô nhưng lại làm hoặc tham gia vào những việc tỗi lỗi như ức hiếp, bóc lột, tra tấn người khác, buôn bán dâm ô, cần sa ma túy, làm chứng gian cho người khác thay vợ đổi chồng, lường gạt trộm cướp… Người Kitô-hữu Công giáo mà làm những việc vô luân vô đạo này thì chắc chắn sẽ khiến cho người khác thù hận tôn giáo của mình và căm thù cả Đấng mà mình mang Danh Thánh là Chúa Kitô. Đây là tội phạm thánh rất nghiêm trọng phải tránh cho được xứng đáng là người tin yêu Chúa Kitô sống giữa những người không chia sẻ cùng niềm tin với mình, giữa những kẻ gian ác vì không có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, công bình và đầy yêu thương.
Cũng được kể là tội phạm thánh khi nói hay có hành động xúc phạm đến Đức Mẹ và các thánh, như quăng ảnh tượng Đức Mẹ và thánh nam nữ nào vào thùng rác hay lấy chân đạp lên các thánh tượng đó. Đặc biệt ai lấy Mình Thánh Chúa đem về nhà để làm chuyện mê tín nào đó thì cũng là hành động phạm thánh nghiêm trọng.
4- Tội bội thệ (perjury) là tội xúc phạm đến Thanh Danh Chúa vì cố ý tuyên thệ để làm chứng một việc gian dối hay phủ nhận một lỗi nặng của chính mình trước luật pháp xã hội. Bội thệ cũng cố ý hứa với ai điều gì nhưng cố ý không thi hành lời đã thề hứa nhân danh Chúa.Do đó, người “bội thệ” không những có lỗi nặng đối với luật pháp xã hội, mà còn lỗi phạm đến Thiên Chúa là Đấng công bình và chân thật tuyệt đối nữa .
Chúa Giêsu đã ngăn cấm việc bội thệ như sau: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ bội thệ, nhưng hãy giữ trọn lời thề với Thiên Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả… Hễ có thì nói “có”, không thì phải nói “không”.Thêm thắt điều gì, là do ác quỷ.” (Mt 5 : 33,37)
Như thế, đủ cho thấy bội thệ là một tội trọng đối với người tín hữu Chúa Kitô vì đã lạm dụng Thánh danh Chúa để làm chứng cho việc gian dối, lỗi đức công bằng và bảo vệ chân lý mà mình phải tuân giữ để xứng đáng là người mang Thánh Danh Chúa như Thánh Chúa Kitô đã dạy
5- Thề gian (false oaths) cũng là một hình thức bội thệ vì đã cố ý che dấu sự thật về việc mình hay kẻ khác đã làm để mong tránh hình phạt của xã hội. Người tín hữu Chúa Kitô, khi giơ tay thề gian với ai, đã mang Thánh Danh Chúa ra làm chứng cho sự gian dối, hay tội đã phạm, cho nên đã xúc phạm đến Thánh Danh Chúa cách nghiêm trọng. Nhưng ngược lại, nếu lấy Danh Chúa mà thề để bênh vực cho sự thật, sự ngay chính của mình trước kẻ tố cáo gian vì tư lợi, tư thù thì đã nhân danh Chúa để bênh vực cho sự thật và lẽ phải, nên không có lỗi gì liên quan đến Điều răn thứ hai, cấm kêu tên Chúa vô cớ.
Nói khác đi, lời thề chính đáng là sự kêu cầu danh Chúa để làm chứng cho sự thật. Nghĩa là chỉ được thề khi phải bênh vực cho lẽ phải và sự công chính mà mình muốn nhằm tới qua lời thề mà thôi.
Tóm lại, Danh Chúa là thánh. Danh Đức Mẹ và các Thánh cũng là thánh. Danh xưng là tín hữu Chúa Kitô, kể cả tên Thánh bổn mạng lãnh nhận khi được rủa tội cũng là thánh.
Do đó, khi xử dụng Danh Thánh của Chúa hay của Đức Mẹ và các Thánh, kể cả danh xưng mình là tín hữu Chúa Kitô, vào những mục đích bất xứng như đã kể trên đây thì đều lỗi phạm điều răn thứ hai cấm dùng Danh Thánh cách bất xứng.
Ước mong giải đáp này thỏa mãn câu hỏi được đặt ra.
Điều Răn Thứ Hai: „Thứ hai: Chớ kêu Tên Đức Chúa Trời vô cớ“
Điều Răn Thứ Hai này dạy con người phải kính sợ thánh danh Thiên Chúa. Không bao giờ được phép lấy thánh danh Thiên Chúa ra để thề hứa bừa bãi, để chửi bới và ăn nói thô tục với nhau hay sử dụng thánh danh Thiên Chúa một cách bất kính. Còn khi có lý do quan trọng đòi phải lấy thánh danh Thiên Chúa để thề hứa một cách kính cẩn và nghiêm chỉnh, thì đương sự bó buộc phải giữ trọn lời thề hứa ấy. Nhưng theo lời Chúa Giêsu dạy thì cần phải ăn ở thật thà, „có thì phải nói có, không thì phải nói không“, chứ không nên thề hứa một cách tùy tiện, động chuyện gì cũng thề (x. Mt 5,33-37).
Đúng thế, con người phải tôn kính thánh danh Thiên Chúa, chứ đừng bao giờ mang danh Thiên Chúa ra thề hứa một cách vô ý thức, vì danh Thiên Chúa là chính Thiên Chúa vậy: „Ta là Đấng Hiện Hữu, Ta là Ta“ (Xh 3,14), chứ không phải như nơi trường hợp của người phàm: „Tên“ của mỗi người chỉ thuần túy được coi như một „số ký danh“, được sử dụng để gọi và để phân biệt người ấy với các người khác mà thôi. Vì thế, nhiều khi trên thực tế „tên“ và „người“ hoàn toàn khác nhau: tên thì rất đẹp mà người lại xấu, tên thì kêu rất hay mà người lại mang nhiều khiếm khuyết.
Bởi vậy, khi chúng ta hằng ngày cầu nguyện: „Chúng con nguyện danh Cha cả sáng“, thì có nghĩa là chúng con ước mong nguyện cầu cho chính Cha được cả sáng, cho chính Cha được vinh hiển nơi mọi người và trong mọi nơi. Nhất là trong mỗi giờ kinh nguyện, Giáo Hội và tất cả mọi người tín hữu Công Giáo đều bắt đầu giơ tay làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi: „Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen“.
Điều Răn Thứ Ba: „Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật“
Điều Răn Thứ Ba dạy con người phải thánh hóa ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Giêsu đã sống lại từ trong kẻ chết. Vì thế, ngày Chúa Nhật được đặc biệt dành riêng để tôn thờ, cảm tạ, vinh danh Thiên Chúa và đồng thời để thực thi các nghĩa cử, các việc từ thiện bác ái đối với mọi anh chị em đồng loại, như thăm viếng, an ủi những người đau ốm bệnh tật và hết lòng giúp đỡ các cô nhi quả phụ, các người nghèo khổ bất hạnh.
Nguyên thủy, theo Cựu Ước, Điều Răn Thứ Ba buộc phải tuân giữ Ngày Sabbatô, tức ngày Thứ Bảy, ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ và mọi loài thọ tạo, trong đó gồm có con người và các loài thảo-, động vật.
Điều Răn Thứ Ba không chỉ dạy con người phải thánh hóa ngày Chúa Nhật, nhưng còn phải thánh hóa các ngày Lễ Buộc khác nữa qua việc sốt sắng tham dự Thánh Lễ, các Giờ Chầu Thánh Thể, kiêng việc xác và làm các nghĩa cử như đã nói trên trong ngày Chúa Nhật.
Đặc biệt, để việc tham dự các Thánh Lễ nói chung và Thánh Lễ ngày Chúa Nhật nói riêng một cách đầy đủ và đúng đắn, cũng như có hiệu quả, tức mang lại ơn ích thiêng liêng cho người tham dự, thì đương sự phải hoàn toàn tự nguyện tham dự trọn vẹn từ đầu đến cuối Thánh Lễ, nhất là tham dự vì do xác tín, vì tin yêu và vì lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, chứ không do miễn cưỡng, do ép buộc hay vì một lý do ngoại tại nào khác.
Tiếp đến, người ta nhất thiết cần phải nhận thức và xác tín rõ ràng chân lý thần học này là việc tham dự Thánh Lễ hay việc tôn thờ và ca tụng Thiên Chúa là hoàn toàn vì con người, chứ tuyệt đối không vì Thiên Chúa; hay nói đúng hơn, thực chất của việc thờ phượng Thiên Chúa là cả một hồng ân chính Thiên Chúa dành cho con người – một thụ tạo hư hèn, yếu đuối và bất toàn lại được phép đến gần bàn thờ Đấng Tối Cao để ca tụng Người và để được Người chúc phúc cho – và đồng thời là một bổn phận đương nhiên của một thụ tạo phải chu toàn đối với Đấng Tạo Hóa toàn năng, chứ việc thờ phượng của con người tuyệt đối không mang lại hay làm tăng thêm bất cứ một mảy may vinh quang nào cho Thiên Chúa, vì Người là Đấng Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Thiên Chúa chỉ cho đi, chứ Người không bao giờ nhận lãnh bất cứ điều gì và bất cứ từ đâu.
Vì thế, trong trường hợp có lý do quan trọng bất khả kháng như đau ốm bệnh tật hay một ngăn trở chính đáng nào đó, không thể đi dự Lễ ngày Chúa Nhật được, thì bó buộc phải đọc kinh bù lại, chứ vì lười biếng hay khinh thường mà bỏ việc tham dự Lễ Chúa Nhật và các Lễ Buộc thì mang tội trọng trước mặt Chúa. Trong điểm này, có nhiều người do lây nhiễm môi trường sống duy vật chất, phản Kitô giáo hay chỉ giao du thân thiện với những người vô đạo, vô tín ngưỡng, v.v… nên đã dần dần đánh mất đi lòng hâm mộ đời sống tâm linh cũng như các việc thờ phượng và đạo đức khác nói chung và việc tham dự các Thánh Lễ nói riêng. Vì thấy những người khác sống bên cạnh không có tôn giáo, không sống đạo hay không đi nhà thờ, nên dần dà mình cũng trở nên khô khan nguội lạnh, thôi không muốn đi nhà thờ nữa và không muốn sống đạo nữa. Và nếu tình trạng kiểu „đạo theo“ như thế cứ tiếp tục kéo dài từ năm này qua năm khác, thì cuối cùng lương tâm của đương sự cũng trở nên chai lì, không còn đủ khả năng phản ứng được nữa. Nếu thế, việc bỏ đạo là hậu quả tất yếu, không thể tránh được. Thật quả đúng: „Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng“. Vì thế, phần rỗi của những người sống trong tình trạng như thế đang đứng trước một đe dọa vô cùng nguy hiểm.
Đàng khác, kiểu „đạo theo“ như thế tố cáo một tình trạng tiêu cực nguy hiểm, đó là sự ấu trĩ, sự thiếu trưởng thành trong đời sống đạo, đức tin chưa thực sự đâm rễ sâu trong tâm hồn, đương sự chưa có sự xác tín cá nhân chắc chắn, vì thế chỉ biết làm theo người khác: thấy người ta đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, mình cũng đi theo và làm theo, còn khi thấy không có ai đi nhà thờ, mình cũng bỏ luôn, đó là chưa nói đến những khi họ phải đối mặt với những thử thách và bắt bớ đạo. Ở đây người ta cũng có thể áp dụng lời Chúa nói: „Họ chỉ là những người chăn chiên thuê, (…) nên khi thấy sói dữ tới thì bỏ đàn chiên mà chạy“ (Ga 10,12-13). Trong khi đó, người tín hữu chân chính, trung kiên và trưởng thành, thì sống đạo không vì người này hay người nọ, nhưng vì lòng xác tín vững vàng vào Thiên Chúa, vì họ thành tâm kính sợ và mến yêu Người trên hết mọi sự, kể cả khi vì đức tin mà phải hứng chịu những thua thiệt này nọ cho bản thân và cho gia đình. Những tín hữu như thế đã hiểu rõ và sống theo lời kinh chí lý của thánh Phan-xi-cô Năm Dấu: „Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân“ và „chính khi chết đi là lúc vui sống muôn đời“.
Vâng, những Kitô hữu như thế chắc chắn sẽ khám phá được ý nghĩa đời mình và nhất là chắc chắn sẽ tìm gặp được hạnh phúc tối hậu của mình nơi Chúa và trong Chúa.
Điều Răn Thứ Bốn: „Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ“
Sau khi ba Điều Răn đầu tiên đã nêu lên những bổn phận quan trọng đòi buộc con người nhất thiết phải chu toàn đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, thì bảy Điều Răn còn lại đề cập tới những trách nhiệm hỗ tương giữa con người với con người trong các tương giao với nhau.
Và bắt đầu là Điều Răn Thứ Bốn, dạy con cái phải hiếu thảo và kính yêu đối với các bậc sinh thành là tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Điều này khẳng định tính chất cơ bản và trọng yếu của bổn phận thảo kính mà con cái phải có đối với cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như lúc đã qua đời, của Đạo Thiên Chúa nói chung và của Đạo Công Giáo nói riêng. Đúng vậy, qua Điều Răn Thứ Bốn, Thiên Chúa đòi buộc những người làm con cái nhất thiết phải có trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ mình.
Đồng thời điều đó cũng là một minh chứng hùng hồn phản bác lại những phê bình chỉ trích nông cạn của một số người không hiểu rõ giáo lý Công Giáo nên đã hiểu lầm cho rằng đi theo Đạo Công Giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà và cha mẹ. Đúng vậy, ở đây bổn phận phải thảo kính cha mẹ không phải là một truyền thống tốt hay một luật lệ đúng đắn do loài người đặt ra, mà là luật thánh do chính Ông Trời, do chính Thiên Chúa đã thiết đặt và đòi buộc tất cả mọi kẻ làm con phải chu toàn đối với cha mẹ mình. Vì thế, Điều Răn Thứ Bốn này thực sự là luật thánh, và những ai không chu toàn Điều Răn Thứ Bốn, tức không có lòng thảo kính cha mẹ, thì không những mắc tội bất hiếu đối với cha mẹ mà còn mắc tội với Trời, nhưng những ai dám mắc tội, dám xúc phạm đến Trời thì không bao giờ Trời dung tha. Kinh nghiệm trong cuộc sống đời thường cũng đã minh chứng điều đó: những người con sống bất hiếu với cha mẹ hoặc xúc phạm nặng nề đến cha mẹ, như hất hủi, đánh đập, chửi bới cha mẹ, thường đã phải gánh chịu những hậu quả ghê gớm như ác quả nhãn tiền.
Nhưng có lẽ sự hiểu lầm vừa nói trên nơi những người ngoài Công Giáo bắt nguồn từ việc họ quan sát thấy các tín hữu Công Giáo không cúng bái ông bà cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Vì theo quan niệm truyền thống của những người Việt Nam không phải là tín hữu Công Giáo, thì vào các ngày lễ, ngày rằm, ngày giỗ, tết đoan ngọ, tết nguyên đán, hay các dịp lễ hội quan trọng khác, để tưởng nhớ và tỏ lòng thảo kính đối với ông bà cha mẹ đã qua đời, người ta thường sửa soạn chu đáo một cỗ cúng hay một mâm cúng, to nhỏ tùy điều kiện kinh tế của gia đình liên hệ, và đặt lên bàn thờ tổ tiên. Trên mâm cúng đó gồm có các thức ăn bình thường của người sống, như: sôi, các thứ thịt ngon, rượu nồng, các thứ hoa trái tươi tốt và cùng với mâm cúng người ta còn đốt các cây nhang, khói hương tỏa bay thơm ngào ngạt, hòa lẫn với những tiếng khấn bái của đoàn con cái cháu chắt đang trang nghiêm quây quần trước bàn thờ, chắp tay thành kính dâng lên ông bà cha mẹ, mong hồn thiêng các ngài trở về hưởng hương vị của các món ăn dâng trên bàn thờ, chứng dám cho lòng hiếu thảo của con cái cháu chắt và phù hộ cho họ biết thương yêu nhau, được bằng an và làm ăn phát đạt. Sau đó, khi cây nhang đã cháy hết thì con cháu mới được phép bưng mâm cúng xuống và cùng nhau ăn uống vui vẻ, vì họ đinh ninh rằng trong thời gian cây nhang đang cháy thì hồn thiêng các người quá cố trở về và hưởng các hương vị của mâm cúng, còn khi cây nhang đã cháy tàn, thì các hồn thiêng ấy cũng đã hưởng xong các hương vị con cháu dâng cúng cho các ngài và đã quay gót trở lại cõi âm rồi; do đó, con cháu mới được hưởng của dư còn lại.
Trước hết, tâm tình thảo hiếu, thương nhớ và gắn bó với ông bà cha mẹ đã qua đời như thế của người Việt Nam chúng ta quả thực là một đạo lý truyền thống rất đáng trân trọng, cần phải được mọi người bất kể lương giáo bảo tồn và phát huy. Nhất là chính tâm tình thảo hiếu ấy hoàn toàn trùng hợp với giáo huấn của Điều Răn Thứ Bốn, tức đúng với bổn phận thảo kính mà Thiên Chúa đòi hỏi con cái phải chu toàn đối với cha mẹ mình.
Tuy nhiên, cách thức tỏ bày lòng thảo kính đối với những người quá cố như thế, tức việc cúng bái ông bà cha mẹ đã chết với những thức ăn vật chất, thì lại không nhất thiết phải được mọi người cùng chia sẻ và đồng ý. Thật vậy, nói tổng quát, các tín hữu Công Giáo hoàn toàn xác tín một cách chắc chắn rằng sau khi đã qua đời, tức sau khi linh hồn ra khỏi xác, thì xác con người sẽ được chôn sâu và tan hòa vào lòng đất mẹ, chờ được sống lại trong ngày tận thế, còn linh hồn thì phải đến trước tòa Thiên Chúa chí công để lãnh nhận phần trách nhiệm về cuộc sống trần gian vừa qua của mình: có công thì được thưởng, có tội thì phải đền bù. Ai gieo giống gì thì sẽ gặt hái được hoa quả của giống đó (x. Gl 6,7b-8). Luật công bằng của trời đất muôn đời vẫn thế, chứ đừng trách Thiên Chúa khắc nghiệt mà lại thêm tội. Vả lại Thánh hiền cũng đã dạy: „Hoàng thiên vô thân, duy đức thị thụ“: Ông Trời không thân riêng ai cả, chỉ người có đức thì Trời giúp (Kinh Thư).
Do đó, bổn phận con cái phải có đối với cha mẹ mình sau khi các ngài đã qua đời là phải siêng năng cầu nguyện cho linh hồn các ngài, để nếu khi còn sống các ngài đã vì yếu đuối mà sai phạm hay thiếu sót các bổn phận của mình cách này cách kia, thì sớm được Thiên Chúa khoan hồng tha thứ và cho về đoàn tụ với các Thần Thánh, vui hưởng hạnh phúc bất diệt trên Thiên đàng. Trong khi đó, mùi thơm của khói nhang và hương vị của các thức ăn là những thứ thuộc vật chất chóng qua thì chỉ cuộc sống thể xác ở đời này mới cần tới để sinh tồn mà thôi, còn linh hồn con người là giống thiêng liêng, vô hình và bất tử thì chỉ mong đợi được hưởng các ân huệ của Thiên Chúa ban cho qua lời cầu xin khẩn nguyện của những người còn sống, chứ hoàn toàn không thể hưởng, hay nói đúng hơn, không cần tới các hương vị vật chất ấy nữa. Chính lý trí tự nhiên của con người bình thường cũng phải phê nhận điều này.
Dĩ nhiên, trên bàn thờ tổ tiên, người Công Giáo cũng được phép thắp nhang hay đặt lên đó bình hoa hay các thứ hoa quả như một dấu chỉ của lòng kính nhớ và thương tiếc của mình đối với ông bà cha mẹ, chứ không phải để cho hồn thiêng các ngài về hưởng. Còn các thức ăn mặn như các thứ thịt thà, cơm rượu, v.v… thì tuyệt đối không bao giờ được đặt lên trên bàn thờ dành cho tổ tiên, nếu không, sẽ phạm tội mê tín dị đoan và liều mình xúc phạm đến Điều Răn Thứ Nhất.
Thật vậy, giáo lý Công Giáo dạy con cái nhất thiết phải có lòng thảo kính và báo hiếu đối với cha mẹ một cách thực tiễn. Đó là: Phải thật lòng kính yêu, biết ơn, vâng phục và giúp đỡ cha mẹ, nhất là lúc các ngài phải rơi vào cảnh túng thiếu hay đau ốm bệnh tật. Trong giờ nguy tử thì phải liệu cho các ngài được lãnh nhận các Bí tích cần thiết, nhất là Bí tích Hòa Giải, Bí tích Xức Dầu và Rước Lễ. Lòng thảo hiếu đối với cha mẹ còn phải bền chặt kéo dài mãi sang cả bên kia cái chết, nghĩa là một khi cha mẹ đã qua đời, con cái còn phải siêng năng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện cho các ngài, nhất là dâng Thánh Lễ Mi-sa, cầu xin Thiên Chúa nhân hậu mau giải thoát linh hồn các ngài và đưa về vui hưởng hạnh phúc bất diệt với các Thần Thánh trên Quê Trời.
Như vậy, vấn đề đã quá rõ ràng, đó là: Bổn phận thảo kính cha mẹ giữa người bên lương và người Công Giáo chỉ khác nhau ở cách thức bày tỏ mà thôi – tức một bên thì cúng bái bằng các thức ăn uống vật chất, còn một bên khác thì đọc kinh và dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ –, chứ bản chất của bổn phận thảo kính cha mẹ vẫn không có gì khác nhau giữa hai bên. Dĩ nhiên, trong hai cách thức bày tỏ lòng thảo kính đối với cha đã qua đời như trên, cách thức nào đúng, hợp lý và cách thức nào sai, không hợp lý, lại là chuyện khác.
Và tất cả những gì chúng ta vừa trình bày ở trên đây, mới chỉ xét trên phương diện nguyên tắc hay lý thuyết mà thôi, còn trên thực tế hay trong cuộc sống cụ thể, thì một sự thật đáng buồn mà người ta khó có thể phủ nhận được, đó là không phải tất cả mọi người con cái đều biết vuông tròn được đạo hiếu đối với cha mẹ mình, nhất là khi họ phải phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ trong lúc các ngài đau yếu hay già nua, mặc dù niềm hy vọng của các bậc làm cha làm mẹ vẫn cụ thể: „Nuôi heo để lấy mỡ, nuôi con để đỡ đần chân tay“. Khi phải nuôi nấng phụng dưỡng cha mẹ, con cái lại thường so đo tính toán rất kỹ, đúng là „cha mẹ nuôi con biển hồ lênh láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày“. Kể cả những gia đình đông anh chị em, việc phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già cũng không thuận thảo dễ dàng hơn, trái lại nhiều khi còn khó khăn, còn phức tạp hơn: anh chị em ganh nạnh và phân bì lẫn nhau, tìm cách thoái thác và trao trút cho kẻ khác việc phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ với hàng trăm hàng ngàn lý do, thế mới có câu „Một mẹ nuôi được trăm con, còn trăm con lại không nuôi được một mẹ“. Thế nhưng một khi cha mẹ vừa nhắm mắt nằm xuống thì ôi thôi: con cái cháu chắt thi nhau kêu khóc, gào thét thảm thiết và tổ chức ma chay cúng quẩy linh đình như thể họ là những đứa con hiếu thảo và thương cha mến mẹ nhất trên đời. Nhiều người hay nhiều tang gia, đặc biệt ở các thành phố, còn thuê cả bọn người „khóc mướn“ nhà nghề đến khóc lóc và kể lể lải nhải. Nhưng thái độ thiếu thành thực và buồn cười đó vẫn không che đậy được mắt người đời, nên mới bị mỉa mai: „Khi sống thì chẳng cho ăn, đến lúc thác xuống làm cơm cúng ruồi“ là vậy. Còn trước mặt Thiên Chúa, chắc chắn những đứa con bất hiếu ấy sẽ khó lòng tránh khỏi tội!
Vậy, luật thảo kính cha mẹ đã rõ, nhưng có lẽ cũng sẽ không thiếu người tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại đòi buộc con cái phải thảo kính cha mẹ?
Câu trả lời chỉ có thể là: Vì cha mẹ là những người sinh thành ra ta, dưỡng dục ta nên người, các ngài là những người thay mặt Thiên Chúa săn sóc lo lắng cho ta cả hai phần hồn xác. Bởi vậy, việc thảo kính cha mẹ cũng thuộc về phạm vi tôn thờ Thiên Chúa, tức làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách tuân giữ Giới Răn của Người: „Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu“ (Xh 20,12). Trái lại, như đã nói trên, khi xúc phạm đến cha mẹ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Sau cùng, cũng thuộc về Điều Răn Thứ Bốn này là lòng kính trọng và tuân phục các bậc Bề Trên trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, tức hàng Giáo Phẩm, các cấp chính quyền hợp hiến, các thầy cô ở trường học và việc chu toàn các nghĩa vụ đối với xã hội qua việc tuân giữ các luật lệ chính đáng và chu toàn các trách nhiệm của người công dân.
Điều Răn Thứ Năm: „Thứ năm: Chớ giết người“
Trước hết, chữ „người“ được nói đến ở đây muốn ám chỉ tất cả mọi người, tức tha nhân và chính mình, chứ không chỉ muốn nói đến tha nhân mà thôi.
Do đó, Điều Răn Thứ Năm dạy con người phải biết tôn trọng và giữ gìn thân xác và mạng sống của mình cũng như của người khác. Bởi vì, mạng sống con người là một hồng ân vô cùng cao cả đã được Thiên Chúa ban cho, đã được Con Một của Người là Đức Kitô đổ máu mình ra để cứu chuộc, là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,9), là một phần thân thể của Đức Kitô (1Cr 6,15), và sẽ được Thiên Chúa cho sống lại trong ngày sau hết. Vì thế, mỗi người đều có bổn phận phải lo làm việc nuôi thân, chăm sóc sức khỏe, tránh những điều hay những trường hợp nguy hại đến sức khỏe và mạng sống mình, như: nghiện ngập tứ đổ tường, không tôn trọng luật giao thông khi di chuyển trên các công lộ, lái xe cẩu thả hay ăn uống chè chén say sưa quá độ, v.v…!
Nói cách khác, Điều Răn Thứ Năm tuyệt đối cấm không được tự tử hay giết hại người khác với bất cứ lý do gì, cả đến những trường hợp nguy hiểm có thể gây nên thiệt hại hay tử vong cho chính mình hay cho người khác cũng đều phải tránh, nếu không có lý do quan trọng chính đáng đòi hỏi. Đối với những người khác nói chung, gồm những người thân và kẻ lạ mặt, chúng ta phải tôn trọng thân xác và mạng sống của họ, không được bạo hành, đánh đập và gây thương tích cho họ một cách trái phép. Xưa kia, ở những xã hội còn bán khai, còn thiếu văn mình, người ta thường coi việc đánh vợ, hay việc hành hạ tôi nam tớ nữ là một chuyện bình thường, nếu không muốn nói là một cách thức cần thiết để chứng tỏ uy quyền của mình với tư cách là một người chồng hay một người chủ nhân. Nhưng thực chất của những hành động thô bạo và vũ phu đó là tính cách thiếu văn hóa và hoàn toàn phản nhân bản của kẻ hành động, nhất là một xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của những nạn nhân bất hạnh, những người cũng mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa như họ. Người ta kể rằng vua Henri XIV của nước Pháp có một cô công chúa rất kiêu kỳ hách dịch và thường hay đánh đập, la mắng các người hầu hạ. Một hôm, có một nàng hầu vì do sơ ý đã làm phật lòng cô công chúa, cô ta chẳng những quát mắng và làm nhục nàng hầu bất hạnh kia một cách quá bất công mà còn hách dịch: „Mi có biết ta là con gái ai không?“ Nàng hầu liền đứng khoanh tay lễ phép thưa: „Dạ, thưa công chúa, em biết ạ, ngài là con gái của đức vua Henri XIV nước Pháp“, và đồng thời nàng cũng dũng cảm hỏi lại cô công chúa: „Còn công chúa, công chúa có biết em là con gái ai không?“ Vì bị hỏi quá bất ngờ, cô công chúa đã tỏ ra quá lúng túng và chưa biết phải phản ứng ra sao, nên đành dịu giọng trả lời: „Không, ta không biết“. Nàng hầu liền nói: „Vậy, em xin nói cho công chúa hay: Em là con gái của Thiên Chúa, Vua cả trời đất“. Nghe câu nói đầy quả quyết và vô cùng chí lý của một nàng hầu mà cô vừa la mắng, cô công chúa bản tính vốn kiêu kỳ nhưng cũng đầy thông minh kia đã nhận ra được rằng tất cả mọi người sinh ra ở đời này, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, đều là con cái của một Cha chung trên trời và là anh chị em của nhau, chứ không ai là đầy tớ của ai cả, nhất là không ai có quyền hành hạ hay làm nhục người khác. Nên từ đó về sau, cô công chúa đã hoàn toàn thay đổi, cô đã trở thành một con người mới: tính tình nhu mì, hiền lành, đạo đức, thương yêu tất cả mọi người giúp việc trong triều và nhất là cô đã siêng năng cầu nguyện hơn.
Nhưng nếu Điều Răn Thứ Năm cấm giết người và cấm làm hại đến sự sống người khác, thì cụm từ „người khác“ ở đây không chỉ được hiểu là những đồng loại đang sống với ta trên trái đất này, mà còn cả những đồng loại đang sắp sửa cùng chung sống với ta nữa. Đó là những trẻ vô sinh, là những thai nhi đang được cưu mang trong lòng mẹ và đang chờ đợi ngày cất tiếng khóc chào đời. Vì thế, tệ nạn phá thai là một tội giết người. Và không chỉ là một tội giết người mà thôi, nhưng còn là một tội giết người man rợ và độc ác nhất trong mọi tội giết người, vì những thai nhi, những mạng người như bao mạng người khác, chưa kịp mở mắt chào đời, chưa được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, chưa biết đời là gì và nhất là chưa một lần được nhìn thấy mặt của mẹ chúng, thì đã bị giết chết, đã bị người ta dùng kéo hay kềm bóp nát óc, thân thể bị cắt nát ra từng mảnh nhỏ và bị máy hút ra khỏi bụng mẹ, và rồi bị vất bỏ vào thùng rác như những cục thịt hôi thối bẩn thỉu, chứ không hề có lấy được một nấm mồ hay có một ai thèm nhỏ cho một giọt nước mắt thương tiếc đưa tiễn, dù chính những người mẹ của chúng cũng không! Thật đau thương biết mấy! Thật khủng khiếp biết bao!
Sau cùng, dĩ nhiên những hành động vô nhân đạo mà người ta đối xử với các đồng loại của mình là những xúc phạm đến Điều Răn Thứ Năm của Thiên Chúa một cách trầm trọng. Vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, đều là con cái của một Cha trên trời và thân thể ta cũng như thân thể người khác đều là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Vì nguyên tắc nền tảng của Điều Răn Thứ Năm là ngoài một mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng duy nhất, không một ai có quyền quyết định trên sự sống và sự chết của người khác.
Dĩ nhiên, có những trường hợp hoàn toàn ngoại thường khiến cho việc giết người không bị mang tội hay được giảm khinh trước mặt Thiên Chúa, chẳng hạn:
* khi phải chu toàn bổn phận người công dân và cầm súng lên đường tòng quân để bào vệ sự an ninh, nền hòa bình và các quyền lợi chính đáng khác của dân tộc đang trong cơn lâm nguy;
* khi bó buộc phải tự vệ để bảo toàn mạng sống của chính mình cũng như của gia đình trước sự đe dọa trực tiếp và thực tiễn của bọn người hung dữ hay của bọn cướp bóc tàn bạo, chứ không còn cách nào khác nữa.
Cũng thuộc về phạm vi Điều Răn Thứ Năm gồm có việc cấm giữ lòng giận hờn, ghen ghét, oán thù, chửi rủa, vu oan giáng họa cho người đồng loại, hay xúi giục hoặc mua chuộc một người nào đó đi làm hại kẻ khác, như việc thuê côn đồ hay những thành phần thuộc „xã hội đen“ đi thanh toán các đối thủ của mình.
Nói tóm lại, ngoài quyền tự vệ chính đáng trong một tình huống thực tiễn, khẩn thiết và bất khả kháng, thì hành động giết người dưới bất cứ hình thức nào và bằng bất cứ cách thế nào đều là trọng tội, vì đã chiếm đoạt quyền tối thượng của Thiên Chúa Tạo Hóa, bởi lẽ chỉ một mình Người mới có quyền quyết định trên sự sống-chết của con người, và vì xúc phạm một cách nặng nề đến chính sự sống, nhân vị và phẩm giá của người liên hệ.
Điều Răn Thứ Sáu: „Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục“
Điều Răn Thứ Sáu đòi buộc con người phải luôn giữ gìn tư tưởng, lời nói và hành động của mình được đoan trang đứng đắn, phù hợp với luân thường đạo lý ở đời, chứ không được suy tư, ăn nói hay hành động thô tục, dâm đãng. Nghĩa là cấm không được trai gái lăng loàn, nam nữ không được sống đời sống vợ chồng ngoài hôn nhân, không được ăn nói bằng những lời hoa tình tục tĩu hay nhìn ngắm hình ảnh ô uế khiêu dâm. Bởi vì, con người đã được dựng nên giống Thiên Chúa, tức mỗi người, dù nam hay nữ, đều mang trên mình hình ảnh tinh tuyền thánh thiện của Thiên Chúa như Kinh Thánh đã khẳng định: „Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ“ (St 1,27). Và thánh Tông đồ Phaolô cũng đã viết trong Thư I gửi các Kitô hữu ở Cô-rin-thô: „Thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô“ (1Cr 6,15), và: „Thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần đang ngự trị“ (1Cr 6,19). Thánh nhân lại còn bổ túc thêm: „Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội khác người ta phạm ngoài thân xác, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình“ (1Cr 6,18).
LM Ngô Tôn Huấn