April 1, 2023

CHƯƠNG III: THIÊN CHÚA VÀ MẸ MARIA

HỔ TRỢ GIÁO HỘI ĐI ĐẾN CHIẾN THẮNG

1-NHỮNG LẦN CHÚA GIÊSU VÀ ĐỨC MẸ HIỆN RA:

saint-dominic-ds

ĐỨC MẸ HIỆN RA VỚI THÁNH ĐAMINH  TẠI KHU RỪNG GẦN TOULOUSE, NƯỚC PHÁP, NĂM 1214

    Chúng tôi chỉ lược trích lời thánh Louis De Monfort trong tác phẩm Huyền Nhiệm Kinh Mân Côi của ngài về lịch sử Kinh Mân Côi để chúng ta nhớ nguồn gốc và nhớ tại sao Chúa ban cho chúng ta Kinh Mân Côi.

 “Từ khi Kinh Mân Côi được thành hình, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Kitô và Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, tức là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng Maria. Đây là lời cầu nguyện được các tín hữu mộ mến sử dụng từ thời các thánh tông đồ tới nay.  “Tuy nhiên mãi tới năm 1214, Giáo Hội mới nhận được Kinh Mân Côi trong hình thức và cách chúng ta dùng hiện nay. Kinh Mân Côi được ban cho Giáo Hội qua thánh Đaminh, ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy làm phương tiện cải hóa những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác.

brouwn

ĐỨC MẸ HIỆN RA VỚI THÁNH SIMON STOCK NĂM 1251

Theo lịch sử dòng Carmel(ô), ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, tại Aylesford thuộc vùng Kent, Anh Quốc, ban cho ngài Áo Đức Mẹ và dạy các tu sĩ nam nữ trong dòng mang Áo Đức Mẹ, tận hiến và cầu khẩn nhờ Mẹ để được Mẹ bảo đảm phần rỗi đời đời. Đức Mẹ nói với thánh Simon Stock: “Này con hãy nhìn Dấu Hiệu Phần Rỗi. Bất cứ người nào mặc áo này khi chết sẽ không phải chịu lửa đời đời.”

Áo Đức Mẹ núi Carmel(ô) gồm có hai mảnh vải nỉ mầu nâu, mầu áo dòng Carmel(ô), được nối với nhau bằng hai sợi dây để đeo qua hai vai, một mảnh trước ngực, một mảnh ở lưng. Thường thường, trên một mảnh có hình Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, mảnh kia có ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng Giêsu.

Áo Đức Mẹ ban cho thánh Simon Stock được Giáo Hội nhìn nhận và khuyến khích. Ngày nay các tín hữu Công Giáo vẫn nhiều người mang trong mình để tỏ lòng kính yêu, ký thác cuộc đời, nhất là phần rỗi đời đời cho Mẹ.

  • Chúa Giêsu và Mẹ hiện ra với thánh Brigit, năm 1310
  • Trong thời gian thánh Brigit ở Lamã, Chúa Giêsu và Mẹ Maria mạc khải cho thánh nữ về cuộc đời Chúa và Mẹ Maria, về thần học, về hỏa ngục và luyện ngục, về tu đức, và nhiều vấn đề quan trọng khác phúc lợi cho Giáo Hội và xã hội.

 

MẠC KHẢI CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA

Vì tình hình Giáo Hội và xã hội thời đó, nhiều lần thánh Brigit mạnh dạn chống lại những sa đọa trong giáo triều. Đặc biệt mỗi khi Chúa muốn cảnh cáo, sửa dạy hàng giáo phẩm hoặc chính quyền đời, Chúa hoặc Mẹ Maria thường đọc cho thánh Brigit ghi lại lời thánh nữ phải chuyển tới người liên hệ. Thánh nữ không ngần ngại phiền trách nhiều vị giám nục, nài nỉ các bề trên tu viện cải đổi tiêu chuẩn sống tại các tu viện, và thường xuyên trình bày ý kiến khuyến cáo lên chính Đức Giáo Hoàng. Thánh nữ ưu tư về giáo đô, lúc đó đã rời tới Avignon, cần phải được trở lại Lamã.   Thánh Brigit được Chúa và Mẹ Maria dạy lập dòng tu. Chính Đức Mẹ hiện ra đọc cho thánh nữ ghi Hiến Pháp dòng, và được Đức Urbanô V phê chuẩn năm 1370. Dòng này gồm nữ và nam tu sĩ, sống biệt lập trong đời sống nhiệm nhặt.

  1. Mẹ hiện ra tại Gadalupé, Mễ Tây Cơ, năm 1531 Trước khi sơ lược lịch sử Mẹ Maria hiện ra với Gioan Diego tại Guadalupé, Mễ tây Cơ, chúng ta lược qua bối cảnh xã hội tại đây trong thời gian 1519-1531.

quadalupe

Năm 1501, Columbus và đoàn thám hiểm phiêu lưu của ông đặt chân lên hải đảo Bahamas. Từ đó Bahamas và khu vực lân cận lần lần trở thành thuộc địa Tây Ban Nha. Năm 1511, Diego de Velázquez, vị Toàn Quyền đầu tiên của Tây Ban Nha ở Bahamas, khởi đầu kế hoạch bành trướng sang Mễ Tây Cơ. Việc này bắt đầu vào năm 1518 do Hernán Cortés, ông này được Toàn Quyền Diego de Valázquez chỉ định lãnh đạo cuộc bành trướng và đặt bản doanh tại Santo Domingo. Mễ Tây Cơ ngày đó dưới quyền hoàng đế Montezuma II, quốc vương địa phương Aztec. Thời đó, thổ dân có tục lệ tế người sống cho các thần của dân Aztec. Dân bản xứ tranh đấu đẫm máu chống lại người Tây Ban Nha kéo dài nhiều năm. Về phía tôn giáo, các nhà truyền giáo Tân Ban Nha cũng nhân cơ hội này đến truyền giáo tại đây, và việc truyền giáo tương đối khó khăn vì những hoàn cảnh này. Dẫu vậy, số người bản xứ tòng giáo ngày càng tăng thêm, nhưng tệ nạn xã hội về phía người Tây Ban Nha cũng như thổ dân cũng tăng thêm, về phía tôn giáo, các nhà lãnh đạo cũng gặp phải một số quyết định sai lầm.

Juan Diego, người được thị kiến, vốn tên là Cuautlatohuac (Con Phượng Hoàng hót), một thổ dân Aztec, đã đổi tên là Juan Diego khi tòng giáo. Juan Diego sinh sống tại làng Cuautilan, gần Mexico City. Juan Diego lúc đó 57 tuổi, ngày ngày ông thường đi bộ 15 dặm (24 cây số) tới dự Thánh Lễ tại Tlaltelolco, phía bắc Mexico City. Sáng ngày 9 tháng 12, 1531, một ngày đông lạnh, Juan Diego đang trên đường tới dự Thánh Lễ, khi ngang qua đồi Tepeyac, ông nghe tiếng như nhạc, như đàn chim hót, và tiếng gọi “Juanito, Juan Dieguito!” từ trên đồi vọng xuống. Juan Diego leo lên đồi, đi chừng 130 bước, ông thấy một Vị Phụ Nữ đẹp ở giữa những bụi xương rồng, và những bụi cây sa mạc khác. Vị Phụ Nữ nói với Juan Diego: “Nghe này Juan, con trai yêu dấu và bé nhỏ nhất của Mẹ. Con đang đi đâu thế?”

Juan đáp:  “Thưa Đức Bà của con, Nữ Vương của con, con đi thiệt xa mãi tới ngôi nhà nhỏ của Người ở Tlatelolco để tham dự Thánh Lễ.”  Vị Phụ Nữ nói cho Juan Diego biết về Người: “Này con trai yêu dấu của Mẹ, con hãy tin chắc rằng Mẹ là ĐẤNG TRỌN ĐỜI TRINH KHIẾT VẸN TOÀN, THÁNH MẪU THIÊN CHÚA ĐÍCH THỰC, THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG CHO MUÔN LOÀI, ĐẤNG TẠO HÓA CỦA MỌI NGƯỜI MỌI SỰ GẦN XA, ĐẤNG LÀ CHÚA TỂ TRỜI ĐẤT.

Mẹ rất muốn người ta xây một thánh thất nhỏ dâng kính Mẹ tại đây. Tại đây Mẹ sẽ cho thấy, Mẹ sẽ ban cho mọi người lòng thương xót, sự giúp đỡ và bảo vệ của Mẹ. Mẹ là Mẹ hay thương xót các con. Mẹ thương xót tất cả mọi người sống hiệp nhất trên mảnh đất này, và toàn thể nhân loại, và tất cả những ai yêu mến Mẹ. Tại đây Mẹ sẽ nghe tiếng họ khóc than, những đau buồn của họ, Mẹ sẽ chữa lành và làm nhẹ bớt cho họ mọi đau khổ, thiếu thốn và bất hạnh chồng chất. Con hãy đến trụ sở đức giám mục, nói với ngài rằng Mẹ phái con đến cho ngài biết Mẹ rất muốn ngài xây dâng Mẹ một ngôi nhà tại đây …” Lập tức Juan Diego đến trụ sở đức giám mục Zumárraga, tại Mexico City, nhưng Juan Diego đã phải chờ đợi suốt nhiều giờ mới được đưa vào gặp đức giám mục.

Người thông ngôn nói với đức giám mục:  “người này đem những tin tức về những việc sẽ xảy ra trong vòng bảy ngày sau, và sau cùng sẽ thấy hàng trăm ngàn người Aztec ào ạt trở lại đạo và chấm dứt việc đem người sống ra làm lễ vật tế thần.” Ngay sau đó Juan Diego được đưa ra cửa.Juan Diego trở lại đồi Tepeyac và thấy Đức Mẹ đang chờ ông tại đó. Juan Diego vội vàng nói với Đức Mẹ về việc bị từ chối thẳng thừng: “Thưa Đức Bà, con đã đi tới nơi Người bảo con đến để chuyển lời Người; mặc dầu con gặp khó khăn …

Đức giám mục tiếp con tử tế và chăm chú lắng nghe, nhưng theo cách ngài trả lời con, thì hình như ngài chẳng hiểu gì cả; ngài không tin là thực… Con xin Đức Mẹ chọn người khác có địa vị cao hơn, được kính nể, trọng vọng, chuyển lời Đức Mẹ để đức giám mục có thể tin…” Nhưng Đức Mẹ nói sứ mệnh đó chỉ được chu toàn qua Juan Diego. Ông bằng lòng cố gắng tiếp tục vào ngày hôm sau.

Ngày hôm sau, 10 tháng 12 năm 1531, Juan Diego giữ lời hứa với Đức Mẹ, ông trở lại trụ sở đức giám mục Zumarraga, nhưng lại thất bại. Juan Diego lại đến gặp đức giám mục Zumarraga lần thứ ba vào ngày 11 tháng 12 năm 1531. Lần này đức giám mục xin Đức Mẹ ban “bằng chứng từ trời” mà ngài để tùy ý Đức Mẹ.

Trở lại Tepeyac, Juan Diego nói với Đức Mẹ lời đức giám mục yêu cầu. Đức Mẹ bảo Juan Diego ngày hôm sau trở lại và Đức Mẹ sẽ ban dấu lạ đó. Nhưng ngày hôm sau, Juan Diego xuýt nữa đã không trở lại trụ sở đức giám mục như đã hứa, vì ngay tối ngày Juan Diego đến tòa giám mục lần thứ ba đã nói trên, ông chú/cậu của Juan Diego bị mắc bệnh dịch, đã nhiều người chết vì bệnh này.

Sớm ngày 12 tháng 12 năm 1531, ông Juan Bernadino, chú/cậu của Juan Diego, nghĩ mình sắp chết, ông nhờ Juan Diego đi Tlaltelolco mời một linh mục tới giải tội và xức dầu (bệnh nhân) cho ông. Juan Diego vội vàng ra đi lúc 4 giờ sáng. Trên đường, Juan Diego đi ngang đồi Tepeyac, nhưng Juan không muốn ghé lại vì sợ trễ nếu Đức Mẹ đang chờ ông, ông đi theo đường sườn đồi phía bên kia. Nhưng Juan sửng sốt thấy Đức Mẹ từ trên đồi đi xuống gặp ông trên đường. Đức Mẹ tươi cười hỏi Juan:

“Việc gì thế? Con đang đi đâu?”

Juan Diego lúng túng hỏi:  “Sao mà mới sáng sớm đã gặp Người? Con mong rằng Người khỏe mạnh.”

Nhưng ý nghĩ về trách nhiệm cấp tốc của mình, Juan Diego xin lỗi Đức Mẹ để đi tìm linh mục cho chú/cậu của ông, và nói thêm: “Sau khi con làm xong việc này, con sẽ trở lại đây để đi trao thông điệp của Người. Xin Đức Mẹ tha lỗi cho con. Xin chờ con một lát. Con không lừa dối Người đâu. Ngày mai con sẽ tới sớm.”

Đức Mẹ nói với Juan Diego: “Này con yêu dấu của Mẹ, con hãy nghe và để cho thấm vào tim con; đừng để thứ gì làm con nản lòng, đừng để thứ gì làm con buồn phiền. Con đừng để thứ gì làm thay đổi trái tim con, hoặc sắc diện của con. Mẹ là Mẹ của con không hiện diện tại đây sao? Con không ở dưới bóng và sự bảo trợ của Mẹ sao? Mẹ không phải là nguồn mạch sự sống các con sao? Các con không ở trong nếp áo choàng của Mẹ sao? Các con không ở trong vòng tay Mẹ sao? Các con còn cần thứ gì khác nữa? Các con đừng sợ bất cứ thứ bệnh tật gì hoặc điều phiền toái gì, đừng lo âu hoặc đau đớn. Đừng để cho bệnh của cậu/chú của con làm con đau đớn, ông ấy không chết vì bệnh tật lúc này đâu. Con hãy tin chắc là ông ấy sẽ lành bệnh. Bây giờ con cần leo lên đồi nơi con đã thấy Mẹ trước kia và ngắt đem xuống đây cho Mẹ tối đa những bông hồng mà con có thể lấy.”

Trở lại nơi Juan Diego đã thấy Đức Mẹ những lần trước kia, ông ngỡ ngàng thấy rất nhiều hoa bồng thuộc đủ mọi loại, mọc giữa các khe đá, giữa những bụi xương rồng, và những bụi cây có gai khác. Juan thấy những bông hồng đó lóng lánh sương mai và hương thơm ngát. Ông muốn ngắt hết, nhưng có quá nhiều.

Không có gì để đựng các bông hồng mới ngắt, Juan Diego cởi tấm áo choàng ra để bọc các bông hồng đó. Cần sơ lược về tấm áo choàng tilma của Juan Diego. Áo tilma là thứ áo choàng theo truyền thống thổ dân Aztec, áo dài phủ khắp mình, có lớp ngoài ngắn hơn phủ trên vai, và cột lại ở cổ. Áo này làm bằng thứ vải lấy từ sợi xương rồng, trung bình thì chỉ hai mươi năm là mục rách. Nhưng tới nay đã hơn 460 năm, tấm áo này vẫn còn như mới.

Juan Diego bọc những bông hồng trong áo choàng và trở lại nơi Đức Mẹ đang chờ. Đức Mẹ sắp lại những bông hồng trong áo choàng của Juan Diego. Rồi Đức Mẹ túm gọn lại và bảo Juan Diego đừng xáo trộn những bông hoa đó, và chỉ mở gói đó cho chính đức giám mục Zumárraga coi.

Đến tòa giám mục, Juan Diego lại phải chờ đợi, có một vài người muốn lấy một vài hoa hồng Juan Diego đang cầm, nhưng khi họ đưa tay ra thì hoa đó tan thấm vào vải áo tilma của Diego chẳng khác gì được thêu vào áo đó.

Có người nào đó cấp tốc nói cho đức giám mục biết Juan cần được tiếp tức thời. Đức giám mục Zúmarraga đang thảo luận với một số nhân vật quan trọng, có thể là với Don Sebastián Ramírez y Fuenleal, vị toàn quyền mới của Mễ Tây Cơ.

Juan Diego được dẫn vào gặp đức giám mục. Có thể Juan đã nói đôi lời hoặc ông chỉ việc trao bọc hoa hồng đó cho đức giám mục hoặc để cho tấm áo choàng tự động mở ra. Những bông hồng tuyệt đẹp màu sắc rực rỡ và hương thơm ngào ngạt rơi xuống đất.

Những hoa hồng trái mùa lạ lùng này không thể nào có cách tự nhiên vào thời tiết lạnh ngắt như thế được ở Mexicô vào thời đó. Vấn đề này được điều tra nhiều lần, nhưng vẫn không thể xác định Juan Diego lấy những bông hồng đó từ đâu.

Trong số các bông hồng đó, đức giám mục và tân toàn quyền ngạc nhiên nhất vì có loại hoa hồng Castilian, thời đó chưa được đưa vào Mexicô. Mọi người hiện diện còn ngạc nhiên hơn nữa vì từ tấm áo tilma lúc này một hình ảnh từ từ hiện lên rõ ràng trước mắt họ. Juan thoạt tiên không nhìn thấy hình ảnh này, vì mắt ông mải nhìn đức giám mục lúc này đến quì trước tấm áo choàng của ông. Khi Juan nhìn xuống, thấy trên áo tilma có hình ảnh y hệt Đức Mẹ hiện ra với ông trên đồi Tepeyac.

Lập tức tin này truyền khắp trụ sở đức giám mục và khắp phố phường. Đức giám mục Zumárraga khóc và đứng lêm ôm Juan Diego và rõ ràng là ngài xin lỗi vì trước kia đã không tin lời Juan Diego. Đức giám mục ân cần mời Juan Diego lưu lại như một thượng khách của tòa giám mục.

Đức giám mục Zumárraga cho rước ảnh Đức Mẹ và đặt trong nhà nguyện riêng trước khi đưa tới trưng bày trong nguyện đường nhỏ đầu tiên xây trên đồi Tepeyac. Hàng ngàn thổ dân Aztec kính viếng ảnh Đức Mẹ và tất cả những xáo trộn và tệ đoan sát tế người sống chấm dứt.

  1. Mẹ hiện ra tại Paris, Pháp, 18-7-năm 1830

Trong khi Cathérine còn bối rối, Đức Mẹ bắt đầu nói: “Con của Mẹ, Thiên Chúa nhân lành muốn trao cho con một sứ mệnh. Con sẽ phải đau khổ nhiều, nhưng con sẽ vượt trên những đau khổ đó bằng cách suy gẫm rằng những việc con làm là vì vinh danh Thiên Chúa. Con sẽ bị dày vò cho tới khi nào con nói hết với cha linh hướng con. Con sẽ bị chống đối; nhưng đừng sợ, con sẽ được ân sủng. Con hãy can đảm nói tất cả những gì xảy ra tại đây và trong (lòng) con. Con hãy nói cách đơn sơ. Đừng sợ.”

Đức Mẹ nói tiếp:  “Thời kỳ này hết sức tồi tệ. Những đau khổ sẽ trút xuống nước Pháp, ngai vàng sẽ (lại) bị lật đổ, cả thế giới sẽ sớm rơi vào thống khổ. Nhưng bây giờ hãy đến chân bàn thờ. Tại đó muôn ơn sủng sẽ tràn đầy cho mọi người, lớn nhỏ, những người tha thiết cầu xin các ơn đó. Những xáo trộn nặng nề đang đến. Nguy cơ nặng nề sẽ xảy đến cho đệ tử viện này và các cộng đoàn tu khác. Tới một lúc khi sự nguy khốn đó cao độ, mọi người sẽ tin là mất tất cả; con sẽ nhớ lại lần viếng thăm này của Mẹ và đệ tử viện này sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Nhưng việc đó không xảy ra cho các cộng đoàn tu khác.”

Tới đây Đức Mẹ khóc nước mắt chan hòa. Đức Mẹ nói tiếp:  “Trong hàng giáo phẩm ở Paris sẽ có nhiều người là nạn nhân trong đó có Đức Tổng Giám Mục, con của Mẹ; thánh giá sẽ bị coi thường, người ta sẽ liệng thánh giá xuống đất và chà đạp lên. Máu sẽ đổ. Các phố phường sẽ ngập máu. Đức Tổng Giám Mục sẽ bị lột trần (tới đây Đức Mẹ quá đau thương không nói được trong một lát). Mắt Mẹ sẽ luôn dõi nhìn các con. Mẹ sẽ ban cho các con ân sủng. Những ân sủng đặc biệt sẽ được ban cho mọi người xin, nhưng người ta phải cầu nguyện.” Tới đây Đức Mẹ biến đi.

duc-me-khoc

Những điều Đức Mẹ nói với chị Cathérine đã lần lượt xảy ra. Có những việc hầu như xảy ra ngay, hoặc trong thời gian rất ngắn sau đó, có những việc mãi 40 năm sau (1870) mới xảy ra.

Đức Mẹ nói trong đêm 18-19 tháng 7, 1830 rằng “ngai vàng sẽ lại bị lật đổ” xảy ra 8 ngày sau, khi Vua Charles X bị lật đổ vào ngày 26-28 tháng 7, 1830, trong “Ba Ngày Vinh Quang” được mệnh danh là Cuộc Cách Mạng tháng Bảy năm 1830.

Lời tiên báo “những xáo trộn lớn” xảy ra khi đường phố Paris bị cản, những cuộc náo loạn bùng nổ khắp Paris và nhiều nơi khác, nhiều người bị giết. Những quân cướp xông vào các thánh đường, Tượng Chịu Nạn bị gỡ ra, bẻ gẫy, bị chà đạp và tiểu tiện vào. Đức Tổng Giám Mục bị đánh đập, bị lột trần chỉ còn quần lót, và hai lần ngài phải chạy trốn để giữ mạng sống.

Đệ tử viện Nữ Tử Bác Ái trên đường BAC bị vây và phóng hỏa nhưng được bình an, trong khi các nhà dòng khác bị đốt cháy hoặc phá sập. Lời Mẹ Maria cảnh cáo về “những xáo trộn trầm trọng” còn xảy ra trong thời cách mạng 1848, trong thời gian này đức tổng giám mục Affré bị bắn chết. Năm 1870, thánh giá lại bị chà đạp, và đức giám mục Darboy, tổng giám mục Paris thời đó, bị ám sát ngay lúc khởi đầu Cuộc Chiến Pháp-Phổ.

Bốn tháng sau ngày 18 tháng 7, 1830, Đức Mẹ hiện ra nhưng khác với lần trước. Sau đây là lời chị Cathérine kể lại: “Ngày 27 tháng 11, 1830, Chúa Nhật trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, lúc 5g30 chiều, tôi nghe âm thanh tựa như áo lụa xào xạc, từ diễn đàn gần ảnh thánh Giuse.

“Nhìn sang hướng đó, tôi thấy Đức Trinh Nữ đang lửng lơ ngang tầm bức ảnh thánh Giuse. Đức Trinh Nữ đứng lại. Người cao vừa phải, và mặc áo toàn trắng.

“Áo dài của Đức Mẹ trắng như sương mai, có cổ cao và cánh tay áo dài trơn. Khăn choàng mầu trắng phủ trên đầu Người xuống tới chân. Dưới khăn choàng là tóc Đức Mẹ, cuốn lọn, được cột lại bằng dây trang sức … Mặt Đức Mẹ lộ ra vừa đủ, dĩ nhiên rất đẹp, quá đẹp đến độ tôi không thể nào mô tả sắc đẹp tuyệt vời của Nguời.

“Hai chân Đức Mẹ đứng trên trái cầu mầu trắng, đúng ra phải nói nữa trái cầu, hoặc ít ra là tôi chỉ nhìn thấy một nửa. Cũng có con rắn mầu xanh đốm vàng.

“Một khuôn, hơi hơi bầu dục, bao quanh Đức Trinh Nữ. Trong khuôn đó có những chữ bằng vàng kim: ‘Lạy Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là những kẻ cầu khẩn với Người.‘ Dòng chữ này chạy nửa vòng khuôn bầu dục, bắt đầu từ ngang bàn tay phải, vòng trên đầu, và chấm dứt ở ngang bàn tay trái của Đức Trinh Nữ. Hai bàn tay Đức Mẹ lúc này đưa lên ngang trong tư thế tựa như đang hiến dâng lên Thiên Chúa trái cầu nhỏ bằng vàng, tiêu biểu cho thế giới, trên trái cầu có thánh giá bằng vàng. Cặp mắt Đức Trinh Nữ nhìn xuống. Khuôn mặt Đức Trinh Nữ xinh đẹp tuyệt vời tôi không thể diễn tả. …

“Tôi thấy mỗi ngón tay Đức Mẹ có ba chiếc nhẫn lớn nhỏ khác nhau. Nhẫn lớn nhất ở đốt sát lòng bàn tay. Nhẫn cỡ trung ở đốt giữa. Nhẫn nhỏ nhất ở ngoài cùng. Trên mỗi chiếc nhẫn có những hạt kim cương lóng lánh lớn nhỏ khác nhau. Một vài hạt đẹp hơn các hạt khác. Những hạt kim cương lớn chiếu ra tia sáng lớn. Những hạtnhỏ chiếu ra tia sáng nhỏ hơn. Những tia sáng đó chói lòa bao phủ bệ dưới chân Đức Mẹ và tôi không còn nhìn thấy hai bàn chân Đức Mẹ nữa.

“Trong khi tôi đang say sưa ngắm nhìn Đức Trinh Nữ, Người nhìn xuống tôi. Tôi nghe Người nói: ‘Trái cầu này tiêu biểu toàn thể thế giới, đặc biệt là Nước Pháp, và cách riêng từng người. Những tia sáng này tiêu biểu các ân sủng Mẹ ban cho những ai cầu xin các ơn đó. Những viên kim cương không chiếu tia sáng là những ân sủng mà các linh hồn quên không xin.'”

“Trái cầu bằng vàng biến đi trong bầu ánh sáng; hai bàn tay mở ra và hai cánh tay thả xuống vì sức nặng của các kho tàng ân sủng trong tay. Khi đó tiếng Đức Mẹ nói: ‘Con hãy nói người ta làm ảnh theo mẫu này. Tất cả những ai mang ảnh này sẽ được những ân sủng lớn lao; người ta nên đeo ảnh này ở cổ. Các ân sủng sẽ dồi dào cho những ai mang ảnh này với lòng tin vững vàng.'”

“Khuôn mẫu ảnh đó xoay phía sau tới, tôi nhìn thấy mặt sau của tấm ảnh: một mẫu tự M lớn và thánh giá đặt trên một đà ngang; phía dưới mẫu tự M có Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Mẹ Maria, một trái tim có vòng gai bao quanh, một trái tim bị lưới giáo xuyên thấu.”

Chỉ ít lâu sau, các Nữ Tử Bác Ái đã trao ảnh đó cho các bệnh nhân mà các dì săn sóc. Nhiều nguời trở lại và được lành bệnh nhờ phép lạ, và từ đó ảnh này được gọi là “Ảnh Hay Làm Phép Lạ” và được phổ biến khắp thế giới Công Giáo.

Nữ đệ tử Cathérine Labouré tuyên khấn ngày 30 tháng Giêng, 1831, và được cử làm đầu bếp tại nhà tế bần Enghien tại thành phố Reuilly. Chị khiêm tốn ẩn mình suốt bốn mươi sáu năm, cố gắng tránh không nói về việc Đức Mẹ hiện ra. Mãi tới trước ngày chị lìa trần vào ngày 31 tháng 12, 1876, chị mới vì vâng lời mà xác nhận rằng chị đã thị kiến “Đức Trinh Nữ.”

Năm 1895, việc Đức Mẹ hiện ra với chị Cathérine Labouré được Giáo Hội nhìn nhận với tước hiệu “ĐỨC MẸ HAY LÀM PHÉP LẠ” và ấn định chi tiết phụng vụ Thánh Lễ và giờ kinh kèm theo.

  1. Mẹ hiện ra tại Paris, Pháp, năm 1836 Dưới đây là sơ lược lịch sử việc nguời ta được lôi cuốn đến với Trái Tim Mẹ Maria tại thánh đường danh tiếng dâng kính Đức Bà Thắng Trận tại Paris vào thập kỷ 1830 – 1940. Thánh đường này bị Cuộc Cách Mạng Pháp mạo phạm và sau đó biến thành cơ sở hối đoái. Về sau thánh đường được hồi phục và cha Des Genettes được chỉ định làm cha sở vào năm 1832. Khi cha Des Genettes cử hành thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên với tư cách là cha sở tại thánh đường Đức Bà Thắng Trận, chỉ có bốn giáo dân tới dự lễ. Suốt nhiều năm cha cố gắng hết sức để đem các tín hữu trở lại, nhưng kết quả rất ít ỏi. Suốt cả năm 1835, chỉ có 720 người rước lễ: chia đều thì mỗi tuần chỉ có 14 người.

Năm 1836, một hôm khi cha Des Genettes đang dâng Thánh Lễ, cha quá băn khoăn không biết Chúa xét xử cha thế nào đến độ làm cha chia trí. Khi cha cầu nguyện xin khỏi sự chia trí này để có thể thánh hiến Phép Thánh Thể cho xứng đáng, cha nghe rõ ràng những lời, “Hãy dâng hiến giáo xứ của con cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Rất Thánh.” Cùng lúc đó, cha được an bình và tiếp tục dâng Thánh Lễ cách sốt sắng.

Sau Thánh Lễ, đang lúc suy nghĩ về sự việc vừa qua, cha bắt đầu nghĩ rằng cha chỉ tưởng tượng ra điều đó thôi. Nhưng ngay khi sắp sửa rời khỏi thánh đường, cha lại nghe rõ ràng cũng những lời, “Con hãy dâng giáo xứ của con cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Rất Thánh.” Lúc này cha biết chắc không phải là tưởng tượng. Hết sức lúng túng, cha vạch ra những kế hoạch để cộng đoàn tôn kính Mẹ Maria. Chúa Nhật kế tiếp, bằng giọng hùng hồn vang vang, cha loan báo các việc tôn kính được cử hành chiều hôm đó để cầu nguyện nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria xin cho việc cải hóa người tội lỗi. 

Chỉ có mười giáo dân tham dự Thánh Lễ sáng Chúa Nhật đó. Cha Des Genettes sửng sốt khi thấy hai trong số mười người đó vốn ít khi lãnh nhận các bí tích đã đi vào phòng áo xin xưng tội. Chiều hôm đó, cha còn ngạc nhiên hơn nữa, khi có tới bốn hoặc năm trăm người tham dự buổi cầu nguyện đặc biệt. Cha vẫn tiếp tục xin Chúa ban cho dấu chỉ, và dấu chỉ đó là cha xin cho một người tên Joly trở lại.

Suốt đời ông già tám mươi tuổi này lúc nào cũng chống đối giáo hội. Bây giờ gần chết mà ông vẫn một mực từ chối mọi nỗ lực của cha sở để cho ông chịu các bí tích. Cha Des Genettes đến nhà ông nhiều lần. Người giữ nhà không muốn để cha vào trong nhà, nhưng sau cùng cha đã đi qua bà ta vào trong phòng ông lão Joly. Sau lời chào vắn tắt, ông già Joly xin cha chúc lành, điều này khiến cha Des Genettes sửng sốt và xúc động. Ông già Joly nói: “Thưa cha, con không nhìn thấy cha, nhưng con cảm thấy cha hiện diện. Từ khi cha tới, con cảm thấy bình an, yên lòng, và sung sướng trong tâm hồn mà trước kia chưa bao giờ con cảm thấy.”

Từ đó về sau, cha Des Genettes đã tận lực rao giảng việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Năm sau, 1837, đã có 8550 lần rước lễ, gấp quá mười lần năm trước. Năm sau nữa, 1838, số lần rước lễ lên quá 12 ngàn, trong khi đó gần 8 ngàn người ghi danh vào giáo xứ của cha.

  1. Mẹ hiện ra với nữ tu Justine Bisqueyburu, năm 1840:

Ngày 8 tháng 9 năm 1840, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Mẹ hiện ra với nữ tu Justine Bisqueyburu, dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vincent de Paul.

Đức Mẹ ban cho nữ tu Justine Áo Đức Mẹ với những lời hứa cứu giúp cho những ai mang Áo Đức Mẹ. Áo Đức Mẹ ban cho nữ tu Justine mầu xanh lá cây: mặt trước có hình Đức Mẹ đứng trên đám mây, Trái Tim Đức Mẹ lộ trước ngực và tỏa ra những tia sáng; mặt sau có Trái Tim Mẹ, trên Trái Tim có ngọn lửa, giữa ngọn lửa có hình thánh giá, và Trái Tim Mẹ bị một lưỡi gươm xuyên thấu từ trên xuống theo 45 độ, và được bao quanh bởi những chữ “(Lạy) Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Xin Mẹ cầu cho chúng con bây giờ và trong giờ chúng con chết.”

  1. Mẹ hiện ra tại La Salette, Pháp, năm 1846

Chiều ngày 19 tháng 9, 1846, Mélanine và Maximin đang lùa đàn bò từ sườn đồi La Salette về xóm Ablandins gần đó. Khi dẫn đàn bò trở về, hai em trở lại một cái hang động nhỏ nơi hai em đã nghỉ ăn trưa, hai em thấy một vòng ánh sáng rộng lớn sáng hơn mặt trời, và vòng ánh sáng cứ lớn (mở rộng) dần và rực rỡ hơn. Khi hai em sắp chạy đi, vòng ánh sáng mở rộng ra và dần dần các em nhìn rõ Hình Dáng Một Phụ Nữ.” Vị Phụ Nữ đó ngồi, hai bàn tay bưng mặt, và đang khóc.

Đức Trinh Nữ nói: “Các con của Mẹ, vì các con không hiểu lời Mẹ nói, Mẹ sẽ nói với các con cách khác (kèm theo hình ảnh sự việc diễn ra). Nếu hoa mầu bị hư, việc đó có vẻ chưa ảnh hưởng tới các con. Mẹ cho các con thấy mùa khoai cuối năm này. Khoai sẽ tiếp tục bị hư và tới Lễ Giáng Sinh thì không còn củ nào.”

“Nếu các con có bắp, các con đừng gieo. Vì súc vật sẽ ăn hết những gì các con gieo. Tất cả những thứ gì mọc lên sẽ tan thành bụi khi các con thu hoạch. Một trận đói lớn sẽ xảy ra. Trước khi trận đói đến, các trẻ nhỏ dưới bảy tuổi sẽ bắt đầu run cầm cập và chết trong vòng tay những người bồng ẵm chúng. Những người khác sẽ đền tội qua sự đói khát. Đậu cũng sẽ hư, nho cũng sẽ mất mùa.”

“… Các linh mục, những thừa tác viên của Con Mẹ, vì cuộc sống ác độc của họ, do sự bất kính và khô khan của họ khi cử hành các nhiệm tích thánh, vì yêu tiền bạc, vì ham danh và lạc thú, các linh mục đã trở nên hố chứa phân dơ bẩn. Đúng vậy, các linh mục đang đòi báo thù, và sự báo thù đang treo lơ lửng trên đầu họ. …”

“… Thiên Chúa sẽ phạt như chưa từng thấy. Khốn thay những người trên địa cầu! … Các người lãnh đạo dân Chúa đã chểnh mảng cầu nguyện và đền tội, và ma quỉ làm mờ lương tri họ. … Thiên Chúa sẽ cho phép con rắn già tạo ra chia rẽ giữa những người cầm quyền nơi mọi xã hội và nơi mọi gia đình. Người ta sẽ phải chịu những thống khổ thể chất và tinh thần. Thiên Chúa sẽ bỏ mặc nhân loại cho chính nó và sẽ gởi hình phạt nối tiếp nhau đến. … Xã hội loài người sắp phải chịu những hình phạt kinh khủng nhất và những biến cố lớn lao nhất. Nhân loại sẽ phải … uống chén thịnh nộ của Thiên Chúa. …”

483px-eglise_de_corps_-_statue_n-d-_de_la_salette

” … Xin cho vị đại diện Con của Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô IX, không bao giời rời khỏi Lamã sau năm 1859 nữa; … Mẹ sẽ ở bên ngài. Xin cho ngài cảnh giác chống lại Napoleon: con người đó hai mặt, và khi ý muốn tự mình vừa làm giáo hoàng vừa làm hoàng đế, Thiên Chúa sẽ sớm rời khỏi y. …”

” … Thế giới sẽ bị đủ mọi loại thiên tai, thêm vào với những bệnh dịch và đói khát khắp nơi. Sẽ có một loạt những cuộc chiến cho tới cuộc chiến sau cùng … Trước khi cuộc chiến cuối cùng chấm dứt, thế giới sẽ có một thứ hòa bình giả tạo. Người ta chỉ nghĩ tới vui chơi. Những kẻ ác độc sẽ phạm đủ mọi thứ tội lỗi … Nhưng phúc hay các linh hồn khiêm tốn được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Mẹ sẽ giúp những linh hồn này chiến đấu cho tới khi kết thúc. …”

“… Nếu dân của Mẹ không tự nguyện tuân theo, Mẹ sẽ phải để cho cánh tay Con của Mẹ giáng xuống trên họ. Mẹ đã đau buồn quá lâu vì các con! Mẹ đã phải cầu nguyện không ngừng để Con của Mẹ không bỏ rơi các con. Các con không bao giờ hiểu Mẹ đau lòng biết chừng nào. …”

” …Thiên nhiên sẽ đòi báo thù nhân loại, và thiên nhiên rùng mình kinh sợ vì những gì xảy ra cho trái đất đã bị ô uế vì tội lỗi. Hỡi trái đất, hãy rùng mình kinh sợ, … và hãy run sợ, hỡi những người cho rằng mình phụng sự Chúa Giêsu Kitô mà trong thâm tâm họ, họ phụng sự chính họ. …”

“Bốn mùa sẽ bị thay đổi. Trái đất sẽ chỉ sinh ra những hoa mầu hư xấu. Các tinh tú sẽ mất đi sự vận hành bình thường. Mặt trăng sẽ chỉ tỏa ra ánh sáng đỏ úa.”

“Địa cầu sẽ bị bao phủ bởi nước và lửa, bị chấn động vì những trận động đất kinh hoàng nuốt đi những núi đồi, những thành thị … Những quái vật không gian … sẽ tạo ra những lạ lùng kinh hoàng trên mặt đất, nơi bầu khí quyển, và nhân loại sẽ ngày ngày càng hư hỏng đồi trụy.”

“Khốn thay những người sống trên mặt đất! Sẽ có những trận chiến đẫm máu và đói khát, bệnh dịch và truyền nhiễm … Người ta sẽ đập đầu vào tường, đòi chết, và sự chết sẽ là nguồn thống khổ của họ.”

“Sẽ có những trận bão tố làm rúng động các thành thị, những trận động đất làm sụp đổ nhiều quốc gia … mặt trời sẽ tối đi … vực thẳm mở rộng thêm …”

“Ai sẽ đứng vững nếu Thiên Chúa không rút ngắn thời gian thử thách?

… Và khi đó nước và lửa sẽ tẩy sạch địa cầu và tiêu hủy mọi công trình kiêu ngạo của loài người (sau đó) mọi thứ sẽ được đổi mới. Thiên Chúa sẽ được phụng thờ và tôn vinh.”

Tin Đức Mẹ hiện ra tại La Salette đã được mau chóng loan truyền khắp Nước Pháp, và trung tuần tháng 10, 1846, phần đầu của thông điệp đã được in để phổ biến.

Các lời Đức Mẹ loan báo trong phần đầu thông điệp đã xảy ra vào những ngày cuối tháng 12, 1846. Những xáo trộn chính trị, kinh tế, mất mùa đói khát, bệnh dịch, đã xảy ra ảnh hưởng hầu hết mọi người khắp Nước Pháp. Vào những ngày cuối năm 1846, khoai thối từ dưới đất, bắp bị hư, những thứ này chỉ có thể cho súc vật ăn, nhưng súc vật đã lăn ra chết vì ăn các thứ đó. Kế đến mùa đậu (óc chó) cũng mất. Nho là sản phẩm quan trọng của Pháp cũng mất mùa trầm trọng. Nạn đói hoành hành khắp nơi khiến hàng ngàn người chết; nhiều trường hợp chết hết cả gia đình.

Tất cả những biến cố này xảy ra đúng như Đức Mẹ đã cảnh cáo khiến người ta phải nhìn nhận lời Mẹ thông báo xảy ra chính xác đến độ kinh ngạc. Ngay từ đầu năm 1847, việc Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bắt đầu được nhìn nhận, người ta đổ đến La Salette ngày càng đông, và giáo quyền khởi sự điều tra sự lạ lùng tại La Salette.

Một sự kiện yêu thương đặc biệt của Đức Mẹ là một dòng suối xuất hiện tại chính nơi Đức Mẹ hiện ra, và rất nhiều phép lạ được giáo quyền và hội đồng y khoa công nhận đã xảy ra nhờ nước suối này.

Lời tiên tri về Đức Piô IX và hoàng đế Napoleon III đã xảy ra đúng như lời tiên báo. Đức Piô IX đắc cử Giáo Hoàng vào đầu năm 1846. Vào thời gian này, không một ai tưởng tượng được là một hoàng đế Napoleon nữa xuất hiện trên đất Pháp.

Một người cháu của đại đế Napoleon lên kế vị lấy tên là Napoleon III. Người cháu này của đại đế Napoleon vốn ít được người ta biết tới. Những người quen biết ông trước kia đều cho rằng ông ta tầm thường, ngờ nghệch, và không ai có thể tưởng tượng ông ta sẽ leo lên được chức tước gì. Mặc dầu vậy, tháng 12, 1848, giữa lúc mất mùa đói kém, chính trị bất ổn, ông ta được bầu làm Tổng Thống

Nước Pháp, và tháng 11, 1850, ông trở thành hoàng đế Napoleon III độc tài đầy quyền lực. Năm 1848, Đức Pio IX phải rời khỏi giáo đô Lamã vì những xáo trộn chính trị và loạn lạc. Năm 1850, Đức Piô IX trở về Lamã nhờ sự can thiệp của Napoleon III. Cuối năm 1846 những tin tức về La Salette đã tới giáo đô Lamã, nhưng mãi tới năm 1851, Đức Piô IX mới nhận được phúc trình đầy đủ về những sự việc và thông điệp Đức Mẹ ban tại La Salette. Cũng thời gian này (cuối năm 1851), Napoleon III cho thấy ý định muốn tiếm vị (chiếm ngôi vị) giáo hoàng, y hệt người bác của ông là Napoleon I trước kia.

Những lời cảnh cáo nghiêm trọng nhất về các biến cố, về cuộc sống và số phận nhân loại được các nhà nghiên cứu bình luận ghi nhận là nói về cuộc chiến Pháp-Phổ, Thế Chiến I và II, sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả đều là những “roi đòn khủng khiếp nhất” gây ra tổn thất sinh mạng và thống khổ cho hàng tỉ người.

Những điều Đức Mẹ cảnh cáo không phải chỉ xảy ra cho Nước Pháp và trong thế kỷ 19, mà cho khắp thế giới tới ngày nay. Ngày ngày các điều Đức Mẹ nói xuất hiện càng rõ ràng, nhìn vào lịch sử thế giới từ hậu bán thế kỷ 19 tới nay, chúng ta thấy biết bao lần những biến cố kinh hoàng đã xảy ra, và ngày nay các điều này càng rõ ràng hơn. Cuộc chiến Pháp-Phổ, Thế Chiến I và II đã chấm dứt, các cuộc chiến cục bộ ngày càng bớt, nhưng nguy cơ của cuộc chiến khốc liệt hơn vẫn còn treo lơ lửng trên đầu nhân loại.

Mặc dầu y khoa và khoa học tiến vượt bực, nhưng từ 1960 tới nay, ô nhiễm không khí và nhiều bệnh nan y chết người lan tràn khắp thế giới, như Aids, Ebola, các tội ác gia tăng, luân lý suy đồi, thiên tai, hạn hán, lụt lội, động đất, cháyrừng, v.v. xảy ra tới mức độ khủng khiếp khắp nơi. Mà nhân loại cứ đổ thêm dầu vào lửa, người ta chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, và cướp quyền Đấng Tạo Hóa, nhất là đại ác họa giết các hài nhi còn trong dạ mẹ. Chúng ta không thể tưởng tượng được những kinh hoàng gì sẽ xảy ra theo phần cuối thông điệp của Mẹ Maria tại La Salette. Chúng ta không thể biết khi nào những việc đó xảy ra, phải chăng đã và đang lần lần xảy ra.

Vấn đề là chúng ta phải nghe theo lời Đức Mẹ mà nhờ Mẹ dẫn dắt trở về với Thiên Chúa là Cha Nhân Từ nếu chúng ta muốn những đại họa tiên báo không xảy ra hoặc được giảm thiểu. Đức Mẹ hiện ra tại La Salette được Giáo Hội nhìn nhận với tước hiệu: “ĐỨC MẸ SẦU BI và SỰ ĂN NĂN SÁM HỐI”

Đọc thêm các chương khác

Cuộc Chiến Giữa Giáo Hội và Ma Quỷ

Hội Tam Điểm

Phá Hủy Đạo Công Giáo

Liên Hiệp Quốc là Chính Phủ Toàn Cầu

Những Dấu Hiệu Ma Quỷ

Mẹ Hiện Ra Tại Lộ Đức

Bí Mật Fatima

Mẹ Hiện Ra Lần Thứ 4

Quyền Năng Chuỗi Mân Côi